Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 05:36

Trao đổi kinh nghiệm

Những điểm mới cơ bản của Luật Tố cáo 2018

16/10/2018

Ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua thông qua Luật tố cáo số 25/2018/QH14.

Ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua thông qua Luật tố cáo số 25/2018/QH14. Luật Tố cáo 2018 có 9 Chương và 67 Điều, là công cụ pháp lý quan trọng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và có nhiều điểm đối mới so với Luật Tố cáo năm 2011. Những điểm mới cơ bản của Luật Tố cáo 2018 đáng chú ý như sau:
1. Bổ sung một số nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo
Kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo 2018 bổ sung thêm một số nguyên tắc phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đối với các trường hợp quy định tại Điều 12, đồng thời quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13).
2. Bổ sung quy định đối với trường hợp đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, tố cáo nặc danh, mạo danh
Luật Tố cáo 2011và 2018 đều quy định 02 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, tuy nhiên Luật Tố cáo 2018 làm rõ:
- Trong trường hợp đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.
- Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh bằng đơn tố cáo.
Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
3. Rút gọn trình tự, thời gian giải quyết tố cáo
Tại Điều 28 Luật Tố cáo 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại từ 05 bước xuống còn 4 bước, bao gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo 2011.
Luật Tố cáo 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày (Luật Tố cáo 2011 là 60 ngày), kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày(Luật Tố cáo 2011 là 90 ngày); đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30).
4. Bổ sung quy định về việc cho phép rút tố cáo
Luật Tố cáo 2011 không quy định việc rút tố cáo. Khắc phục nội dung này, tại Luật tố cáo 2018, Điều 33 nêu rõ: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
5. Bổ sung những quy định quan trọng về bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo 2018 tiếp tục dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo được quy định từ Điều 47 đến Điều 58. Cụ thể:
Điều 47 của Luật Tố cáo 2018 định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Điều 48 quy định về các quyền của người được bảo vệ.Điều 49 quy định cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan này.Từ Điều 50 đến Điều 55 quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ khi người tố cáo có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ.
6. Bổ sung quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo
Luật Tố cáo 2011 không quy định nội dung này, tuy nhiên, Luật Tố cáo 2018 cho phép người tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… (Điều 34).
Ngoài những điểm mới nêu trên, Luật Tố cáo 2018 vẫn quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email như đề xuất trước đó. Đây cũng là một nội dung đáng chú ý của Luật Tố cáo 2018.
7. Quy định giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối trong việc tiếp nhận, phân loại và đề xuất giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ
Khoản 2 Điều 32 Luật Tố cáo 2018 quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao. 
Luật Tố cáo 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Lê Quyên

Tin cùng chuyên mục