Khi tham gia CPTPP, chúng ta có nhiều cơ hội, là động lực để thay đổi, phát triển nhưng cũng đứng trước không ít thách thức, trong đó có những thách thức trong việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động. Đó là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong buổi thảo luận ở tổ sáng 2.11.
ĐBQH Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nhận diện thách thức
Thảo luận tại tổ, ĐB Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (ĐBQH tỉnh Gia Lai) - nhận định, tờ trình cũng như trong báo cáo bổ sung của Chính phủ và báo cáo của Ban Đối ngoại đã phân tích rất rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Văn Cường, bên cạnh nhiều mặt tích cực cũng đặt ra cho chúng ta không ít thách thức phía trước, đặc biệt trong vấn đề lao động và tổ chức của người lao động.
ĐB Bùi Văn Cường phân tích: Liên quan đến lao động, công đoàn, thực chất những điều nêu trong Hiệp định CP TPP cũng chính là nội dung đã nêu trong Công ước 87 và Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - tổ chức Việt Nam đã là thành viên, tuy nhiên chúng ta chưa phê chuẩn hai công ước này.
Theo đó, Hiệp định CPTPP cũng như các công ước 87 và 98 có nêu người lao động có quyền tự do lập các tổ chức của mình. Tổ chức này, theo quy định, 5 năm đầu khi chúng ta chưa thực hiện thì không bị trừng phạt về mặt thương mại, chứ không phải là không được thành lập. Nhưng nếu sau 5 năm, chúng ta không có hướng dẫn, không có quy định cụ thể thì sẽ bị trừng phạt về mặt thương mại.
Xác nhận đây sẽ là thách thức lớn, ĐB Bùi Văn Cường cho rằng chúng ta cần đưa ra các quy định thế nào, quản lý làm sao cho hợp lý, hiệu quả, nếu không sẽ rất phức tạp tình hình.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích: Sẽ có ít nhất 3 dạng thức của tổ chức này. Thứ nhất là tổ chức do người lao động tự nguyện thành lập. Theo hình thức này rất tốt, không có vấn đề gì lớn.
Thứ hai là tổ chức do chủ sử dụng lao động lập ra để thao túng, chi phối.
Và thứ ba, nguy hiểm, nhất là tổ chức dù dứng dưới danh nghĩa đại diện của người lao động nhưng do các tổ chức, phần tử phản động thành lập, núp bóng, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lấy lợi ích đoàn viên làm điểm tập hợp
ĐB Bùi Văn Cường cũng thông tin, trước việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định CP TPP, một số tổ chức phản động đã ráo riết chuẩn bị, hà hơi tiếp sức cho việc thành lập các tổ chức này trong các DN.
Từ phân tích trên, ĐB Bùi Văn Cường cho rằng, khi chúng ta phê chuẩn, cấp uỷ địa phương cần tập trung chỉ đạo hết sức cẩn trọng, bên cạnh đó, cần có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế được những vấn đề phức tạp có thể xảy ra.
Theo ĐB Bùi Văn Cường, trước thách thức đó, chúng ta đã và đang chủ động đề cập trong các bộ luật liên quan, trong đó có Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn để xử lý.
Một cách cụ thể hơn, ĐB Bùi Văn Cường cho biết, phía Công đoàn Việt Nam hiện đang thực hiện đề án đổi mới tổ chức, hoạt động. Đã và đang tập trung đổi mới theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp; tập trung quan tâm lợi ích của đoàn viên, người lao động; tập trung thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà chỉ đoàn viên công đoàn mới được thụ hưởng.
"Điều đó cũng để thể hiện rằng, tham gia với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì có lợi ích thiết thân, còn tham gia các tổ chức khác không có lợi ích gì người ta sẽ không tham gia" - ĐB Bùi Văn Cường nói.
Cần chủ động thay đổi nội luật
Bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với phát biểu của ĐB Bùi Văn Cường, ĐB Trần Hồng Nguyên - UVTT Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH Bình Thuận) cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức về lĩnh vực nông nghiệp thì thách thức về công nhân lao động, tổ chức công đoàn là rất đáng lưu tâm.
Theo ĐB, tổ chức Công đoàn đổi mới là cần thiết nhưng cũng cần có thời gian, do đó, Chính phủ cần có lộ trình, các biện pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, trước hết là hoàn thiện pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức công đoàn cùng cả hệ thống chính trị chủ động hơn trong xử lý vấn đề này.
ĐB Hoàng Bình Quân - UVTW Đảng, Trưởng ban Đối ngoại TƯ (ĐBQH Tuyên Quang) cũng nhấn mạnh đến thách thức về lao động và tổ chức công đoàn. Theo đó, khi tham gia CPTPP, không chỉ Luật Công đoàn mà nhiều luật liên quan đến người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Theo ĐB Hoàng Bình Quân, "hiện chúng ta chưa tham gia hết các điều ước của ILO nhưng rồi cũng phải tham gia thôi".
ĐB Hoàng Bình Quân phân tích: Theo quy định của các công ước của ILO cũng như của Hiệp định, họ có quyền tham gia thành lập tổ chức. BĐ thống nhất cho rằng đây là kẻ hở lớn cho các tổ chức phản động.
Từ phân tích này, ĐB Hoàng Bình Quân cho rằng cần có sự chuẩn bị, thay đổi nội luật chủ động để đối phó. Theo đó, nếu cần QH có thể đưa vào chương trình hoạt động ngay mà không cần chờ vào danh mục. Nhiều ĐB khác cũng có băn khoăn và nhận định như trên.
Cũng theo ĐB Hoàng Bình Quân, thách thức là có thật, chúng ta cần thẳng thắn nhận diện để có tâm thế đối phó, xử lý. Một cách tổng thể, Trưởng ban Đối ngoại TƯ cho rằng, trong sân chơi CPTPP, Việt Nam là nước yếu hơn do đó, “người ta cố gắng một mình phải cố gắng mười”.
Vì lợi tích quốc gia, về sự phát triển của đất nước, tất cả ĐBQH tại tổ 14 đều hoàn toàn đồng ý gia nhập Hiệp ước CPTPP.
Theo congdoan.vn