Ngày 8-9/11/2018, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Công đoàn Công nghiệp và sản xuất toàn cầu (IndustriALL) tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về việc làm bấp bênh và kinh nghiệm của quốc tế.
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, Giám đốc dự án IndustriALL Fons Vannieuwenhuys. Tham dự có các đại biểu đại diện các ban Tổng LĐLĐVN, 05 LĐLĐ địa phương và 11 Công đoàn ngành trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đ/c Ngọ Duy Hiểu đánh giá đây là hội thảo hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang ngày càng chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các Hiệp định Tự do Thương mại thế hệ mới (CPTPP); tham gia ngày càng tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu (tiên phong là ngành dệt - may, da – giày…). Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là tất yếu, giúp NLĐ có thêm nhiều việc làm, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia, nhưng cũng đứng trước thách thức rất lớn, đó là nguy cơ việc làm bấp bênh.
Đ/c Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch TLĐ phát biểu tại hội thảo
Theo Phó Chủ tịch, trong quá trình Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức công đoàn có vị trí hết sức quan trọng. Công đoàn không chỉ tham gia đàm phán để có những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ; tuyên truyền vận động cho NLĐ mà còn đón nhận thời cơ và vượt qua những thách thức, biến khó khăn thành cơ hội phát triển để NLĐ có nhiều hơn việc làm bền vững.
Giám đốc dự án IndustriALL Fons Vannieuwenhuyse cho biết, việc làm bấp bênh không chỉ là vấn đề riêng có ở Việt Nam mà còn đang diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện số lượng NLĐ đang bị mất đi việc làm tiêu chuẩn ngày càng gia tăng,… Dự án về việc làm bấp bênh nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa việc làm tiêu chuẩn, từ đó giảm bớt việc làm bấp bênh, ngắn hạn; điều kiện làm việc của NLĐ được tốt hơn. Vai trò của tổ chức công đoàn rất quan trọng trong thúc đẩy công ăn việc làm, điều kiện làm việc cho NLĐ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ về thực trạng việc làm bấp bênh ở mỗi ngành nghề, mỗi đơn vị cũng như cấp quốc gia tại Việt Nam, những khó khăn, thách thức đối với tổ chức công đoàn trong quá trình ngăn chặn việc làm bấp bênh. Đại biểu Công đoàn Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, mặc dù ngành Ngân hàng được coi là có mức thu nhập bình ổn so với một số ngành, nghề khác, tuy nhiên khối lượng công việc nhiều, áp lực chỉ tiêu cao, bên cạnh những rủi ro về pháp lý trong quá trình làm việc, khiến nhân sự ở Ngành này luôn có sự thay đổi, biến động, khó khăn cho công tác tuyển dụng, lựa chọn nhân sự... Vì vậy, Công đoàn ngành Ngân hàng nói chung, đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng luôn nỗ lực học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, cập nhật thông tin, kiến thức, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của quá trình hội nhập. Cụ thể là: tăng cường vai trò đại diện của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, lao động, nhất là đối với NLĐ làm việc tại khu vực ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước, khu vực có yếu tố nước ngoài...
Quá trình thảo luận, các chuyên gia quốc tế đến từ tổ chức IndustriALL đã có những chia sẻ về kinh nghiệm và kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu tình trạng việc làm bấp bênh đối với NLĐ, nhất là đối với lao động nữ.
Hà Phương