Tháng 3 năm 2019, Công đoàn cơ sở Công ty Z (CĐCS Công ty) tiếp nhận kiến nghị của một nữ đoàn viên công đoàn (tên A) với nội dung cụ thể như sau:
- Chị A và anh B đều là công nhân và là đoàn viên công đoàn của CĐCS Công ty, anh chị đã kết hôn năm 2012.
- Năm 2017, chị A và anh B ly hôn. Theo phán quyết của Tòa án: Chị A được quyền nuôi con nhỏ 4 tuổi, theo đó anh B có nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng con hàng tháng, số tiền 2.000.000đ/tháng.
- Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay (tháng 3/2019), anh B đã không thực hiện nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng con hàng tháng (với lý do anh B đưa ra là vì gia đình và bản thân chị A đã cản trở việc Anh thăm nom con cái).
Nay chị A kiến nghị với CĐCS và Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty đề nghị can thiệp, giữ một phần lương hàng tháng của anh B để đóng góp khoản tiền chu cấp nuôi dưỡng con cho Chị. Vậy xin hỏi, trong trường hợp này, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết/tham gia giải quyết của BGĐ Công ty và BCH CĐCS Công ty đến đâu? BCH CĐCS Công ty cần làm gì và làm như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật?
Ý kiến tư vấn như sau: Đây là tình huống pháp luật dân sự. Trong trường hợp này, CĐCS hay BGĐ Công ty chỉ có thể động viên, thuyết phục anh B thực hiện phán quyết (bản án) của Toà về việc chu cấp đầy đủ tiền nuôi dưỡng con để chị A đảm bảo nuôi dạy con được tốt nhất. Khi CĐCS hoặc Công ty nêu phương án: “Hàng tháng sẽ trích từ lương/thu nhập của anh B để chuyển cho chị A phục vụ việc nuôi dưỡng con”, thì nhất thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của anh B mới có thể thực hiện được, chứ CĐCS hay BGĐ Công ty không có quyền tự ý trích một phần lương/thu nhập của anh B như kiến nghị của chị A mà tình huống đã nêu. Nếu như anh B vẫn kiên quyết không thực hiện nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng con, thì chị A có quyền khởi kiện vấn đề này ra Toà án sở tại theo quy định.
Tuy nhiên, trước khi tham gia giải quyết kiến nghị của đoàn viên công đoàn (chị A), BCH CĐCS Công ty cũng cần lưu ý gắn trách nhiệm của bộ phận công đoàn, các đoàn thể quần chúng khác trong việc giáo dục, chỉ dẫn, tư vấn pháp luật,… đối với đoàn viên, người lao động. Cụ thể: Các Tổ Công đoàn (hoặc Công đoàn bộ phận), Chi đoàn thanh niên, Tổ Nữ công,… - Nơi mà 02 đoàn viên A, B nói trên tham gia sinh hoạt cùng với bộ phận Tổ chức cán bộ của Công ty cần tổ chức gặp gỡ trao đổi, thỏa hiệp, đối thoại trực tiếp.... để làm rõ những vấn đề liên quan và chỉ dẫn cho họ để có được phương án giải quyết tốt nhất (hợp tình, hợp lý nhưng phải đảm bảo đúng nguyên tắc pháp luật). Bởi như lý do anh B nêu ra, thì việc ngừng cấp dưỡng đó là do bản thân chị A và gia đình đã cản trở (không cho) anh B quyền thăm nom con cái - là hoàn toàn chưa đúng với quy định của pháp luật (trách nhiệm thuộc về chị A); bên cạnh đó cần phải cập nhật đầy đủ, chính xác và xem xét những tình tiết liên quan khác (nếu có).
Nguyễn Thái