Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính thức đặt ra vấn đề về CNLĐ kỹ thuật cao. Thách thức này cũng chính là cơ hội cho NLĐ và cho cả nền kinh tế. Tình hình mới đòi hỏi tổ chức CĐ vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa tạo mọi điều kiện tốt nhất đồng thời tìm giải pháp để công nhân lao động vượt qua thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm gia đình công nhân KCN Đồng Văn (Hà Nam). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đào tạo kỹ năng mềm
Tại Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018-2023), vấn đề đào tạo kỹ năng mềm cho NLĐ được một số đại biểu đặt ra. Chúng ta vẫn thường tự hào người Việt Nam cần cù, chịu khó, chăm chỉ lao động, khắc phục mọi khó khăn, song thực tế cho thấy lao động đã qua đào tạo của Việt Nam các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… vẫn còn yếu. Các kỹ năng quan trọng về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu… các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học. Hiện rất nhiều NLĐ thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin.
Thiếu kỹ năng mềm là một trong những nguyên nhân khiến NLĐ mất việc làm trong quá trình chuyển đổi. Mặt khác, các công việc đòi hỏi sức lao động cơ bắp đều có thể bị robot và trí tuệ nhân tạo thay thế. NLĐ cần có những kỹ năng mềm quan trọng như: Xử lý vấn đề phức hợp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người, phối hợp với người khác, trí tuệ xúc cảm, phán đoán và ra quyết định, định hướng dịch vụ, thương lượng, linh hoạt nhận thức. Tổ chức CĐ cùng DN cần quan tâm đào tạo cho NLĐ các kỹ năng mềm ngay từ bây giờ. Hình thức đào tạo có thể trong nhà máy hoặc có thể luân phiên cử NLĐ đi đào tạo, để hỗ trợ nâng cao khả năng có việc làm cho NLĐ.
Góp phần kiến tạo môi trường làm việc 4.0
Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Lao Động gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chỉ rõ: Đối với NLĐ, thách thức về trình độ nghề nghiệp là chủ yếu. Trong thời gian đầu của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, một số DN đã đầu tư công nghệ, máy móc tiên tiến và hình thành “chuẩn” là NLĐ qua đào tạo nghề nghiệp cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao hơn trong lao động. Đây là đòi hỏi mà NLĐ phải thích ứng được.
Tuy nhiên phần đông NLĐ chỉ được đào tạo ngắn hạn qua công việc, số được đào tạo bài bản qua các trường nghề không nhiều. Nếu NLĐ Việt Nam không được chuẩn bị tốt thì sẽ để vuột mất những vị trí việc làm có chất lượng, có thu nhập cao, là sự thiệt thòi rất lớn. Một thách thức rất lớn của NLĐ là ý thức nâng cao về tri thức nghề nghiệp và làm chủ được công nghệ mới. Thông tin về nhu cầu thị trường lao động chưa có định hướng hợp lý để giúp NLĐ thấy tương lai, qua đó có thể tự hoạch định lộ trình thích ứng. Hơn thế, thu nhập của NLĐ hiện còn thấp, rất khó khăn để trang trải những nhu cầu thiết yếu. NLĐ chưa thể nghĩ đến việc học tập nâng cao trình độ. Công nghiệp 4.0 cần nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức, đòi hỏi sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng. CĐ cần có giải pháp phối hợp đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cải thiện điều kiện lao động và tạo môi trường làm việc thoải mái, tự do về tư tưởng, hứng thú để NLĐ có cảm hứng sáng tạo. Cần tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tự học tập thường xuyên, học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động luôn biến đổi. Làm được điều này, các cấp CĐ không chỉ giúp ích cho đoàn viên của mình mà còn nâng cao vị thế của mình trong môi trường cạnh tranh gay gắt sắp tới.
Đặc biệt, CĐ cần phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động để đánh giá nguồn nhân lực, lên phương án và thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ; tăng cường tổ chức các phong trào thi đua giỏi một nghề biết nhiều nghề, phát huy sáng kiến cải tiến; các hoạt động để NLĐ hướng dẫn kèm cặp lẫn nhau nghề mới, việc mới; các khóa học bồi dưỡng kỹ năng nghề, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc và sinh hoạt để giúp NLĐ hoàn thiện những hạn chế, xây dựng xã hội học tập. Thông qua các phong trào thi đua, tổ chức CĐ giúp NLĐ chủ động nắm bắt cơ hội, chủ động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giao tiếp để kết hợp và đáp ứng được nhiều yếu tố như giao tiếp đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững vì các DN cần triển khai máy móc để tự động hóa trong sản xuất.
Một điểm nữa là CĐ chú trọng nâng cao hiệu quả của đối thoại và thương lượng tập thể vì chỉ khi mục đích của chính đại diện NLĐ - tổ chức CĐ và đại diện người sử dụng lao động là cùng chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ tầm nhìn chung phát triển việc làm bền vững, họ mới có thể tìm thấy tiếng nói chung, hướng tiếp cận giúp giải quyết các thách thức đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngay từ khi nó còn chưa tác động mạnh đến DN như thời điểm hiện nay và cả khi có tác động hiện hữu trong tương lai không xa.
Hải Anh (theo laodong.vn)