Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 14:35

Tin TLĐ

Cần xử nghiêm hành vi phân biệt đối xử, hạn chế vai trò Công đoàn

04/07/2019

Sáng 3/7, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo về một số vấn đề cơ bản trong đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn.

Sáng 3.7, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo về một số vấn đề cơ bản trong đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật CĐ dưới sự chủ trì của các ông: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nguyễn Trung Thành - Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội thảo
Nhiều thủ đoạn tinh vi “chống Công đoàn”

Đối với nội dung các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng chống Công đoàn (CĐ), theo ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (CN-CĐ) - nhận định, hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động, bên cạnh những quy định công khai hạn chế vai trò của CĐ thì còn có những quy định ngầm chống CĐ, với nhiều hình thức, thủ đoạn được che giấu rất tinh vi.

Còn ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện CN-CĐ - cho biết, qua khảo sát của Viện CN-CĐ, hành vi phân biệt đối xử, chống CĐ không chỉ diễn ra trong khi hoạt động CĐ, mà còn diễn ra cả trước khi hoạt động CĐ. Ông Tiến ví dụ, tại một Cty may ở TP Hồ Chí Minh, khi một cá nhân được đông đảo CNLĐ tín nhiệm, chuẩn bị làm công tác nhân sự để CNLĐ bầu cử, thì cá nhân này đã bị điều chuyển 60 ngày tại chi nhánh ở Long An.

Ngoài ra, phân biệt đối xử còn diễn ra sau khi hoạt động CĐ. Có trường hợp, một cán bộ CĐ hoạt động năng nổ vừa thôi tham gia Ban Chấp hành CĐCS, một tháng sau đã bị Cty chấm dứt HĐLĐ. Theo ông Tiến, những hành vi này rất khó để xử lý.

Không chỉ cán bộ CĐ, mà người lao động (NLĐ) tích cực đóng góp ý kiến về quyền lợi cũng bị phân biệt đối xử. Việc phân biệt đối xử sẽ làm tổ chức CĐ tại cơ sở không dám hoạt động; giảm, triệu tiêu năng lực đại diện, không dám thương lượng với chủ sử dụng lao động, phản ánh kiến nghị tới CĐ cũng như cơ quan chức năng về các vi phạm của DN; thậm chí hoạt động CĐ bị tê liệt - ông Tiến cho biết.

Mặc dù Luật đã quy định, nhưng hiện vẫn chưa có quyết định xử phạt hành chính nào về hành vi chống CĐ. “Nếu các hành vi “chống công đoàn” nằm trong một vỏ bọc hợp pháp thì có xử được không, nếu có thì xử lý như thế nào” - ông Tiến nêu câu hỏi. Ông Tiến đề nghị, thay vì yêu cầu cán bộ CĐ, NLĐ phải chứng minh bị phân biệt đối xử, thì yêu cầu người sử dụng lao động phải chứng minh đó là hành vi không phân biệt đối xử, không bất công,…

Nâng cao sức mạnh của CĐCS

Tham gia góp ý tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho rằng, trong bối cảnh sắp tới sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện cho NLĐ, việc sửa đổi, bổ sung Luật CĐ phải tiếp tục làm thế nào để có những CĐCS mạnh ở khu vực kinh tế tư nhân. “Tổng LĐLĐVN cần đứng vững và phát huy vai trò của mình để hoạt động CĐ thực sự mạnh ở khu vực này. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối hiệu quả giữa CĐCS với các CĐ cấp trên, đặc biệt là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở” - ông Cường góp ý.

Cùng chung với nội dung trên, ông Uông Quang Huy - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (CĐ Điện lực Việt Nam) - nêu ý kiến, việc sửa đổi Luật CĐ cần tăng cường vai trò của CĐCS; đồng thời xác định rõ mô hình tổ chức để đảm nhận tốt được vai trò đó. Các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung khác như: Tài chính CĐ; mối quan hệ giữa tổ chức CĐ Việt Nam với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; vấn đề quyền gia nhập CĐ của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu toàn diện tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu trên cơ sở yêu cầu chung của các cơ quan của Đảng, Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi từng văn bản. Ông cũng mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý bằng nhiều hình thức khác.

Theo laodong.vn

Tin cùng chuyên mục