Hội nghị lần thứ 8 Đoàn Chủ tịch TLĐ (khóa XI): Cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng
16/10/2014
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 8 Đoàn Chủ tịch TLĐ (khóa XI) đã bế mạc, hoàn thành chương trình đề ra
Trong hai ngày làm việc, Đoàn Chủ tịch TLĐ đã thảo luận các nội dung, dự thảo: Sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định số 482/QĐ-TLĐ ngày 16/4/2009 của Đoàn Chủ tịch TLĐ); Hướng dẫn xây dựng CĐCS vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS (sửa đổi Hướng dẫn 187/HD-TLĐ ngày 16/02/2011); Hướng dẫn tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; hoàn thiện hướng dẫn kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”; Quy định về tổ chức và hoạt động mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tổ chức Công đoàn đến năm 2020; Hướng dẫn khen thưởng thi đua chuyên đề “Xanh- Sạch-Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Hướng dẫn khen thưởng chuyên đề văn hóa -văn nghệ, thể dục- thể thao; Hướng dẫn phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (thay thế Hướng dẫn số 1270/HD-TLĐ ngày 05/8/2011); quy định về công tác thống kê trong tổ chức Công đoàn; Quy chế tổ chức và quản lý tài chính CTy TNHH một thành viên công đoàn; quy chế quản lý vốn của CĐ đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế; quy định về công tác xây dựng và giao dự toán tài chính CĐ…
Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng bế mạc Hội nghị
Thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nêu: Quy chế đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ (ban hành kèm theo Quyết định 482/QĐ-TLĐ ngày 16.4.2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN) đã góp phần làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ thu được kết quả tốt, tuy nhiên, đến nay, quy chế đó đã bốc lộ bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh.
Thảo luận về vấn đề này, ĐCT cho rằng về cơ bản, quy chế của tổ chức CĐ cần phù hợp với quy định chung của Nhà nước, tạo cơ chế thông thoáng cho cán bộ được học tập nâng cao trình độ, nhưng đồng thời phải khắc phục, tránh việc cán bộ sau khi được cử đi đào tạo lại chuyển công tác khỏi hệ thống công đoàn hoặc xin đi đào tạo để có bằng cấp mà không chú trọng tới độ phù hợp và phục vụ trực tiếp công việc đang đảm trách. Vì thế, cần có những quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của cán bộ được cơ quan cử đi đào tạo để đảm bảo việc khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng công việc và tổ chức CĐ không chảy máu chất xám, sử dụng đúng năng lực cán bộ.
Về Hướng dẫn xây dựng CĐCS vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS, ĐCT cho rằng cần đổi mới phương pháp đánh giá hướng tới phản ánh đúng thực tiễn, tránh hình thức. Việc bổ sung điểm trừ, hạ loại trong chấm điểm, xếp loại là cần thiết để việc đánh giá được thực chất.
Về dự thảo Hướng dẫn tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, ĐCT đề nghị có bổ sung thêm tiêu chí về công tác tài chính CĐ bởi đây là công tác góp phần quan trọng vào việc duy trì hoạt động của tổ chức CĐCS. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, đưa tiêu chí này vào đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của CĐ cấp này là cần thiết. Để có sự điều chỉnh tiêu chí phù hợp hơn, Đoàn Chủ tịch thống nhất giao cho Thường trực TLĐ làm việc thêm với Ban tài chính TLĐ trước khi hoàn thiện văn bản.
Theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tổ chức CĐ do Phó Chủ tịch Mai Đức Chính trình bày, sẽ nâng cấp 6 trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề, nâng cấp 5 trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp nghề; chuyển 4 trung tâm giới thiệu việc làm thành trung tâm dạy nghề; giải thể 1 trung tam dạy nghề và 1 trung tâm giới thiệu việc làm. Thực tế hầu hết các cơ sở dạy nghề đang gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh, không có nguồn kinh phí hỗ trợ, hoạt động không hiệu quả. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, việc quy hoạch các cơ sở dạy nghề của tổ chức CĐ đến năm 2020 phải đáp ứng yêu cầu vừa nâng cao chất lượng, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu đến 2020, tổ chức CĐ có 31 cơ sở dạy nghề… ĐCT quyết định giữ nguyên 3 trường cao đẳng nghề (đang có); xem xét kỹ việc nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng nghề, có khảo sát thực tế tình hình địa phương và sự đóng góp vào việc nâng cao tay nghề cho CNLĐ. Với các trung tâm dạy nghề, Đoàn Chủ tịch chủ trương sẽ tổ chức sáp nhập, chuyển thành các trung tâm tư vấn pháp luật phục vụ NLĐ.
Thảo luận dự thảo về việc ban hành Hướng dẫn khen thưởng thi đua chuyên đề “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo ATVSLĐ”; Dự thảo Hướng dẫn chuyên đề “Văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao” và Dự thảo Hướng dẫn phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, ĐCT đề nghị cần thống nhất về quy trình, thủ tục xét và đều phải thông qua chấm điểm các tiêu chí thi đua phù hợp. Việc khen thưởng sẽ tập trung chủ yếu cho CĐCS, sẽ quy định cụ thể số lượng về cờ, bằng khen cho từng cấp để đảm bảo việc khuyến khích cơ sở chứ không bị dồn ở cấp trên.
Về quy định công tác thống kê, theo Dự thảo, có 49 tiêu chí CĐCS cần phải thống kê; có 133 tiêu chí do CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện, cấp LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TƯ ngoài việc tập hợp số liệu từ các CĐ cấp dưới trực thuộc cần thống kê các số liệu về đoàn viên, công tác tổ chức và cán bộ của cấp mình để báo cáo với TLĐ. ĐCT cho rằng để có thể nghiên cứu chuyên sâu thì việc nắm được số liệu là rất cần thiết, tuy nhiên cần rút gọn các tiêu chí để nâng cao tính khả thi bởi trong hệ thống CĐ không có cán bộ làm công tác chuyên môn về thống kê…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng đề nghị ban soạn thảo các nội dung, dự thảo nhanh chóng tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch đưa vào văn bản để trình Ban Chấp hành trong kì họp tới. Với các văn bản do Đoàn Chủ tịch quyết định cần tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Thường trực xem xét cụ thể để thay mặt Đoàn Chủ tịch kí ban hành.
Theo congdoanvn.org.vn