Nhiều người lao động bày tỏ sự vui mừng khi nghe thông tin có thể sắp tới sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ vào Ngày Gia đình Việt Nam (28.6).
Có ý nghĩa xã hội rất cao
Chị Nguyễn Thị Chinh - công nhân (CN) môi trường, Cty Cổ phần quản lý Công trình Đô thị Bắc Giang, TP.Bắc Giang - cho rằng, đây là một đề xuất hợp lý của Chính phủ. Bởi người lao động (NLĐ) đã rất vất vả, làm việc quanh năm, nên có thêm một ngày nghỉ với họ đã là đáng quý, hơn nữa, lại nghỉ vào một ngày rất ý nghĩa với các thành viên trong gia đình.
Chị nhớ lại, từ trước đến giờ, vào Ngày Gia đình Việt Nam, chị vẫn phải đi quét rác, dọn dẹp đường phố theo nhiệm vụ được giao; các con vẫn phải đi học; chồng vẫn đi làm. Chỉ đến cuối ngày, chị mới có thể đi chợ, nấu cho chồng con một bữa ăn tươm tất hơn so với ngày thường để kỷ niệm ngày đặc biệt này. Chị có 3 người con, chồng làm nghề mộc tự do, vì vậy, gia đình cũng ít có thời gian bên nhau. “Nếu có thêm ngày nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam, cả nhà tôi sẽ có thời gian bên nhau một ngày, có thể đưa nhau đi chơi đâu đó trong thành phố. Còn nếu tôi vẫn làm việc, thì sẽ được trả lương cao hơn” - chị Chinh chia sẻ.
Hai vợ chồng đều làm CN KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) nên gia đình chị Lê Thị Xoan (quê Nghệ An) rất cần thêm ngày nghỉ trong năm để gia đình có thời gian gần gũi, chăm sóc con cái. Anh Nguyễn Văn Thăng - chồng chị Xoan - cho biết, mặc dù một tháng chúng tôi được nghỉ hai thứ 7, 4 chủ nhật nhưng xem ra chừng đó vẫn chưa đủ thời gian để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau nhiều hơn. Bởi những ngày nghỉ trên, hai vợ chồng cần phải nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động… sau những ngày làm việc căng thẳng. Có những hôm đi làm về, tôi chẳng thiết ăn, chỉ muốn đặt lưng mà ngủ… Nếu có thêm ngày nghỉ - đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam, thì ngày đó vợ chồng, con cái được sum vầy. Gia đình sẽ bắt xe vào nội thành cho các cháu đi xem thú ở Công viên Thủ Lệ.
Chị Võ Thị Yến - CN kỹ thuật, Khu D, Công ty TNHH PouYuen, Quận Bình Tân, TPHCM - nêu ý kiến, trước đây, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ có hưởng lương và bố trí vào dịp ngày khai trường 5.9 hằng năm. Đây là đề nghị phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động (CNLĐ). Thực tế hiện nay, đa phần CNLĐ đều là người đi làm xa quê. Nay có thêm ngày nghỉ, nhất là những ngày nghỉ trong dịp lễ thì CNLĐ có thời gian để về thăm nom gia đình, vui chơi cùng bố mẹ, con cái. Việc có thêm ngày nghỉ cho NLĐ có ý nghĩa xã hội rất cao.
Ngày nghỉ lễ của Việt Nam vẫn thấp
Dưới góc độ một cán bộ Công đoàn (CĐ), bà Phạm Thị Ánh Ngọc - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Yakjin Việt Nam, Phú Thọ - cũng bày tỏ sự đồng tình và vui mừng khi được biết thông tin Chính phủ đề xuất đưa Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) vào danh sách ngày nghỉ lễ, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Theo bà, được nghỉ thêm ngày này, CN ở xa sẽ có thêm thời gian về quê thăm gia đình; những thành viên trong gia đình CNLĐ sẽ có thêm cơ hội được quây quần bên nhau; hoặc cùng nhau đi du lịch, củng cố sự bền vững của “tế bào xã hội”. Bên cạnh đó, hiện quãng thời gian giữa hai dịp nghỉ lễ vào 30.4 và 2.9 là khá dài, nên nghỉ vào ngày 28.6, ở giữa 2 dịp nghỉ này là rất phù hợp.
Bà Ngọc cho rằng, hiện nay, số ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam (10 ngày) vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Theo bà Ngọc, thêm 1 ngày nghỉ lễ là vẫn còn ít, cần bổ sung thêm ngày nghỉ nữa cho NLĐ.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansae Việt Nam - nói rằng, quy định số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương của Việt Nam tổng cộng 10 ngày/năm đã duy trì từ nhiều năm qua, là thấp nhất trong khu vực và thấp hơn so với bình quân của thế giới (khoảng 17 ngày/năm). “Thực tế, không chỉ công nhân lao động (CNLĐ) mà ngay cả cán bộ, công chức, viên chức đều mong muốn có thêm ngày nghỉ được hưởng lương. Việc có thêm vài ngày nghỉ có hưởng lương trong năm cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Bởi lẽ trong thực tế ở rất nhiều công ty, qua thỏa ước lao động tập thể hoặc qua thỏa thuận trực tiếp với NLĐ trong HĐLĐ, số ngày nghỉ phép năm (doanh nghiệp vẫn trả lương) nhiều hơn số ngày nghỉ quy định của Nhà nước. Có thêm ngày nghỉ, NLĐ sẽ có thêm thời gian chăm lo cho gia đình, con cái. Quốc hội cần cân nhắc quyết định nghỉ thêm ngày nào cho có ý nghĩa” - ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có gần 30.000 NLĐ (trong đó 50% là người ngoại tỉnh). Khi nắm được thông tin sắp tới sẽ có thêm một ngày nghỉ trong năm cho NLĐ, bà Tôn Kim Thuý - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hưng Yên - rất phấn khởi và cho rằng đây là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tổ chức CĐ dành cho NLĐ. “Phần lớn NLĐ tại các ngành dệt may, điện tử trên địa bàn huyện đều làm 48 giờ/tuần. Có nhiều doanh nghiệp còn áp dụng tăng ca, nên ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, sinh hoạt của NLĐ. Nhiều NLĐ đời sống, văn hoá, tinh thần gặp còn khó khăn, nhất là những người có gia đình - họ rất ít có thời gian chăm lo con cái dẫn đến việc phải gửi con về quê để nhờ ông bà chăm giúp. Chỉ có những dịp nghỉ lễ, Tết, NLĐ mới có thời gian về quê thăm con, gia đình do đó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm của bố mẹ với con.
Theo tôi, được nghỉ thêm ngày nào là tốt ngày đó đối với NLĐ. NLĐ được nghỉ sẽ dành thời gian về quê sau những ngày lao động vất vả. Nếu được nghỉ thêm ngày đúng dịp 2.9 sẽ có lợi hơn cho NLĐ: Họ được nghỉ dài ngày hơn, có thời gian đưa trẻ đến trường” - bà Thuý nhận xét.
Nhóm PV Báo Lao động