Ngày 13/11/2019, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN đã tổ chức buổi họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu dự án KH&CN “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - quá trình hình thành và phát triển” do Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam, TS. Đào Minh Tú làm chủ nhiệm Dự án.
Đồng tiền Việt Nam đã có lịch sử hơn một nghìn năm với bao thăng trầm và thay đổi. Trải qua chiến tranh và thời gian, các tài liệu, thư tịch liên quan, hoặc ghi chép về Tiền Việt Nam đến nay còn khiêm tốn. Việc nghiên cứu lịch sử tiền tệ Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà sưu tầm tiền tư nhân được công bố, bước đầu đạt được những thành tựu.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Chủ nhiệm đề tài, phát biểu tại buổi họp
Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, từng phân khúc tiền tệ vẫn chỉ là những nét đậm - nhạt khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau trong nhận định và học thuật. Cho đến nay, chưa có một công trình mang tính hệ thống bao quát toàn bộ tiền tệ Việt Nam trong lịch sử. Vì thế, để có một cái nhìn toàn cảnh về đồng tiền Việt Nam trong lịch sử, rất cần thiết phải có một công trình nghiên cứu sâu, mang tính tổng hợp, hệ thống hoá toàn bộ tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển đồng tiền Việt Nam.
Với nhận thức lịch sử tiền tệ Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam, gắn liền với lịch sử dân tộc, sự phát hành tiền thể hiện sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, NHNN Việt Nam đã có sự quan tâm đáng kể trong việc sưu tầm, phổ biến, bảo tồn và phát huy di sản tiền Việt Nam.
Ngày 21/4/2016, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 887/QĐ-NHNN về việc bổ sung nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ năm 2016. Theo đó, NHNN triển khai Dự án nghiên cứu khoa học: “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển”, Mã số DANH.002/16 do TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN làm chủ nhiệm Dự án. Đơn vị thực hiện Dự án là Văn phòng NHNN.
Báo cáo tóm tắt quá trình triển khai dự án, Chủ nhiệm dự án, TS. Đào Minh Tú cho biết, đối tượng nghiên cứu của dự án là các đồng tiền được phát hành và lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng đến năm 2016. Để có thể hình dung tổng quan nền tài chính - tiền tệ tự chủ của Việt Nam, Nhóm nghiên cứu Dự án phối hợp với các nhà khoa học, các nhà sưu tập tiền tư nhân nhằm làm rõ quá trình hình thành, tồn tại và kết thúc vai trò lịch sử của chúng trong mỗi chính thể đã từng tồn tại trong gần một nghìn năm qua của đồng tiền Việt Nam. Trong đó, các loại hình tiền Việt Nam được sắp xếp theo chất liệu và trình tự lịch sử.
Để triển khai thực hiện Dự án, Phó Thống đốc NHNN - Chủ nhiệm Dự án phân công thành viên thực hiện Dự án nghiên cứu lên tới 22 người bao gồm một số lãnh đạo, cán bộ NHNN và 12 nhà nghiên cứu, sưu tầm tiền tư nhân - những người có kinh nghiệm, kiến thức về tiền tệ với những bộ sưu tập tiền chưa từng được công bố. Căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm cũng như thế mạnh nghiên cứu về các loại tiền của các thành viên, Chủ nhiệm Dự án đã phân công thành 5 nhóm soạn thảo theo 5 chuyên đề do các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tiền làm trưởng nhóm, cụ thể như Chuyên đề 1: Tiền Việt Nam qua các thời kỳ phong kiến (970-1945) do ông Mai Ngọc Phát làm trưởng nhóm; Chuyên đề 2: Tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành (1874-1954) do ông Doãn Khắc Hùng làm trưởng nhóm…
Các ý kiến đóng góp tại buổi họp
Các nhóm nghiên cứu triển khai tổ chức và đi khảo sát, tiếp cận nguồn tư liệu và các bộ sưu tập tiền của các bảo tàng, các nhà sưu tầm tư nhân tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Huế, Quảng Ngãi để hệ thống, lập danh mục các đồng tiền; tiến hành phân loại các đồng tiền theo thời kỳ lịch sử, niên hiệu, chất liệu; scan, dịch thuật các tư liệu nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hán) để có thêm tư liệu nghiên cứu; làm việc với Kho lưu trữ Ngân hàng Trung ương và Trung tâm lưu trữ quốc gia để khai thác, sao chụp các văn bản liên quan đến in, phát hành tiền.
Trên cơ sở danh mục đồng tiền, các thành viên nghiên cứu, nhà sưu tầm tư nhân đã cung cấp các bộ sưu tập của mình, bao gồm cả những bộ sưu tập quý hiếm và cùng cán bộ NHNN scan, chụp ảnh, ghi chép thông tin. Mặc dù bận công việc chuyên môn nhưng các thành viên rất nhiệt tình, trách nhiệm, tạo điều kiện cho cán bộ NHNN đến nhà riêng, hướng dẫn scan, chụp ảnh các bộ sưu tập của mình.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu của Dự án, song song với việc scan, chụp ảnh các đồng tiền, nhóm nghiên cứu đã đo kích thước, trọng lượng, mô tả từng đồng tiền và ghi chép lại thông tin. Trên cơ sở thông tin thu thập được, các cán bộ đã nhập dữ liệu vào máy tính, xây dựng một bộ hồ sơ khoa học cho các đồng tiền. Mỗi đồng tiền, tờ tiền có một lý lịch riêng với 6 thông tin cơ bản như tên Tiền, Mô tả, hình ảnh, niên đại, đặc điểm hiện trạng và lai lịch, đánh mã số. Phần chữ đúc hay in được phiên âm, dịch nghĩa và chú giải. Đến nay, NHNN đã hoàn thành việc chụp ảnh, thu thập thông tin gần 2.000 đồng tiền qua các thời kỳ, xây dựng bộ Phiếu tiền và đang tiếp tục bổ sung.
“Đây là nguồn tài liệu khoa học không chỉ phục vụ Dự án và lưu trữ lâu dài mà còn giúp cho công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng Bảo tàng Tiền Việt Nam sau này” - Phó Thống đốc, TS. Đào Minh Tú nhấn mạnh và cho biết thêm, sau khi tổng hợp bản thảo theo chuyên đề và chung, NHNN và nhóm nghiên cứu tổ chức 37 cuộc họp nội bộ từng nhóm và giữa các nhóm để cùng tham gia, đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung bản thảo.
Với tinh thần cầu thị, mong muốn Dự án đạt chất lượng cao, Văn phòng NHNN đã tổ chức 3 Hội thảo tại Hà Nội và 1 Hội thảo tại TP.HCM. Nhóm nghiên cứu đã có những tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến tham gia góp ý của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ cơ quan nghiên cứu về lịch sử, về tiền tệ tại Hà Nội và TP. HCM như: Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết của các thành viên nghiên cứu, được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, kinh tế, các nhà sưu tầm đam mê nghiên cứu tiền cổ, các nhà quản lý có bề dày công tác trong Ngành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, qua 3 năm nghiên cứu, Dự án đã hoàn thành bản thảo công phu dày 600 trang với hơn 970 mẫu tiền, gần 2.000 đồng tiền qua các thời kỳ (tương ứng với gần 4.000 hình ảnh). Các bản thảo, bài nghiên cứu công bố về tiền, các bài viết về tiền kim loại, tiền giấy trong 3 số Tập san Vietnam Numismatics của CLB sưu tầm và nghiên cứu đồng tiền Việt Nam. Đặc biệt là các bài viết về hệ thống tiền thưởng bằng kim loại vàng, bạc, đồng; nghệ thuật thư pháp trên tiền cổ triều Lê Sơ...
Nội dung của Báo cáo tổng hợp được chia thành 3 chương: Chương 1: Tiền Việt Nam qua các triều đại phong kiến (968-1945); Chương 2: Tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành (1874-1954); Chương 3: Tiền Việt Nam (1951-2016). Phần Mở đầu, nhóm nghiên cứu trình bày 5 vấn đề: Tiền Việt Nam trong lịch sử; tổng quan tình hình nghiên cứu về đồng tiền Việt Nam của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; Mục đích và quan điểm nghiên cứu của Dự án; Cách tiếp cận và kỹ thuật, phương pháp; Kết quả đóng góp của Dự án.
Trong 3 chương, nhóm nghiên cứu đưa vào hình ảnh 970 mẫu đồng tiền được sắp xếp theo chất liệu và giai đoạn lịch sử. Phần khảo tả mỗi đồng tiền ở các chương có các thông tin: tên tiền/mệnh giá, chất liệu, kích thước, đặc điểm (mặt trước, mặt sau), hình ảnh minh hoạ, giá trị của đồng tiền và phạm vi lưu hành đương thời. Phần chữ Hán và chữ in bằng tiếng nước ngoài được phiên âm, dịch nghĩa và chú giải.
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn nghiệm thu, Dự án “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” là công trình nghiên cứu trọng điểm cấp Ngành, lần đầu tiên được NHNN Việt Nam - một cơ quan của Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ đứng ra tổ chức nghiên cứu, tập hợp nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm trong nước cùng với những bộ sưu tập hiếm quý chưa từng được công bố. Dự án được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc, đảm bảo đúng phương pháp, đúng mục đích.
Quan điểm nghiên cứu dự án là sự tham gia, tổng hợp kiến thức hàn lâm, kiến thức nghiên cứu khoa học và kiến thức thực tiễn của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như các nhà quản lý với sự độc lập nghiên cứu, đảm bảo không vi phạm về bản quyền và có tính kế thừa, công khai và có nguồn chính thống. Đây là ấn phẩm, công trình nghiên cứu đầu tiên tổng hợp tất cả các loại tiền Việt Nam đã được phát hành trên lãnh thổ Việt Nam từ trước đến nay nên giá trị từ ý tưởng đến thực tiễn là rất lớn.
Các thành viên Hội đồng tư vấn đều bày tỏ ấn tượng về kết quả dự án và cho rằng công trình đồ sộ này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà còn là cơ sở hình thành bản thảo cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam - nguồn tài liệu có tính giáo khoa, góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế về tiền tệ Việt Nam.
Dự án hoàn thành sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với cộng đồng, với các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như mọi người quan tâm đến tiền Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nguồn tài liệu này sẽ góp phần xây dựng nội dung cho Bảo tàng tiền Việt Nam trong tương lai.
Với những kết quả mà nhóm nghiên cứu Dự án đạt được, trên cơ sở tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên trong Hội đồng, Dự án nghiên cứu khoa học: “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” được đánh giá xếp loại xuất sắc.
PV Thời báo NH