Tháng 5.2020 có nhiều ý nghĩa với toàn thể giai cấp công nhân. Đặc biệt, tháng 5 có ngày kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh- một dấu mốc để mỗi cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động phấn đấu thi đua, vượt mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra để cùng vực dậy nền kinh tế.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang chúc tết cán bộ, công nhân ngành điện lực, ngày 24.1. 2020 (30 Tết Canh Tý). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Khẳng định về vai trò của tổ chức Công đoàn và tinh thần làm việc của mỗi đoàn viên, người lao động, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết:
- Ngày 18.2.2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-TLĐ về tổ chức Tháng Công nhân năm 2020. Với chủ đề “Năng suất cao – An toàn lao động – Thu nhập tốt”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các hoạt động của Tháng Công nhân cần thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và gắn với các hoạt động hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh lao động. Các cấp Công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền, đề xuất người sử dụng lao động và huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức Tháng Công nhân năm 2020 cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong việc thực hiện chủ đề của năm “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người lao động, nhân dân, cũng như thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hướng dẫn triển khai tổ chức các hoạt động phù hợp với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.
Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và công bố hết dịch tại địa phương thì xem xét phối hợp tổ chức Lễ hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2020; Phối hợp hoặc phân công đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; Tăng cường phối hợp liên ngành trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng chống dịch COVID-19; phối kết hợp trong các hoạt động giám sát, tư vấn, đối thoại việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng thì không tổ chức các lễ míttinh hưởng ứng, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người; chuyển sang tổ chức các hoạt động hưởng ứng của bộ, ngành, tỉnh, thành phố thông qua phát động trên đài phát thanh và truyền hình của tỉnh, thành phố hoặc họp trực tuyến; tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, người lao động tại địa phương.
Dù trong tình huống nào, thông qua các hoạt động của Tháng Công nhân và Tháng An toàn vệ sinh lao động, sẽ động viên, khích lệ công nhân viên chức lao động cả nước lao động hăng say, nhiệt tình, sáng tạo, tạo nên năng suất cao, hiệu quả tốt, từ đó góp phần giải quyết hậu quả của dịch bệnh COVID-19 gây ra, đảm bảo và nâng cao đời sống cho người lao động.
Tháng Công nhân năm nay cũng là dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Những năm qua, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 được các cấp công đoàn xác định là nhiệm vụ thường xuyên, được đưa vào chương trình công tác, nội dung phát động thi đua và là một tiêu chí thi đua, bình xét khen thưởng, biểu dương các đơn vị. Việc triển khai, thực hiện được tổ chức lồng ghép, gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, kỷ niệm sinh nhật Bác, các ngày lễ lớn và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp công đoàn phát động đã thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia.
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm được các cấp Công đoàn thường xuyên thực hiện. Năm nay, dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có thêm ý nghĩa, chúng tôi xem đây là một mốc, một động lực thúc đẩy tinh thần thi đua lập thành tích, vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì phát triển sản xuất cho doanh nghiệp".
Mỗi cấp Công đoàn đều xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị để cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động phấn đấu làm theo. Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp được cụ thể hóa bằng tiêu chí “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, gắn với cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa…
Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa bằng tiêu chí “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, thi đua luyện tay nghề thi thợ giỏi, gắn với cuộc vận động xây dựng “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa’’…
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, học tập các chuyên đề, đăng ký việc làm theo của cá nhân và thực hiện các nội dung học tập, đã tạo được những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần củng cố niềm tin, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, lối sống trong sáng, giản dị, tiết kiệm… theo tấm gương của Bác.
Từ đầu năm đến nay, đất nước ta gặp khá nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Một trong số đó là mối đe doạ mất việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Tổ chức Công đoàn sẽ có những hoạt động gì để vừa giúp người lao động, vừa giúp doanh nghiệp giảm khó khăn để đạt mục đích là người lao động vẫn có việc làm, có thu nhập và doanh nghiệp duy trì phát triển, thưa Chủ tịch?
- Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện đến sản xuất, việc làm và đời sống của công nhân, viên chức, lao động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai. Đặc biệt ngày 9.4.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là gói giải pháp được cho là chưa có tiền lệ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài. Lần đầu tiên, Chính phủ chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tại nhiều ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã có những hoạt động tự nguyện chia sẻ khó khăn với công nhân, lao động như miễn, giảm, giãn tiền thuê nhà trọ; tổ chức trông trẻ miễn phí, hỗ trợ chi phí trông trẻ cho người lao động trong thời gian diễn ra dịch bệnh... Những hành động ý nghĩa đó là động lực quan trọng, giúp người lao động vượt qua khó khăn, cùng với doanh nghiệp và cả nước sớm khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm của người lao động, phát triển kinh tế đất nước sau dịch bệnh COVID-19. Thay mặt đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng cảm ơn, ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ quý báu về tinh thần và vật chất của các tổ chức, cá nhân đối với đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.
Về phía tổ chức Công đoàn, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch, Tổng Liên đoàn đã có văn bản đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30.6.2020. Nếu sau thời điểm này, dịch COVID-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31.12.2020.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã có văn bản báo cáo về những khó khăn, vướng mắc liên quan, từ đó kiến nghị, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung, giải pháp bổ sung để hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động nghiên cứu giải pháp, cơ chế hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn lực của tổ chức Công đoàn theo hướng tập trung cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ và những người đã được hỗ trợ của Chính phủ nhưng vẫn đặc biệt khó khăn.
Về lâu dài, dự báo trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với đời sống, việc làm của công nhân, lao động, Công đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động đánh giá, xây dựng phương án, đề xuất cơ chế để thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động. Ngoài ra, cũng cần gắn đào tạo với thông tin thị trường lao động và cập nhật xu thế công nghệ để kịp thời đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động.
Với những nỗ lực trên, tin rằng những khó khăn sẽ được tháo gỡ, người lao động được đảm bảo việc làm, có thu nhập, doanh nghiệp duy trì phát triển. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ và thực hiện đầy đủ vai trò của mình.
Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch.
Thu Trà thực hiện (theo Báo Lao động)