Trước ngày 15.12.2020 chính là thời điểm mọi cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Do vậy, cán bộ, công chức cần lưu ý 5 quy định về đánh giá, xếp loại cuối năm dưới đây.
Cụ thể, tại Điều 2 và Điều 20 của Nghị định 90, Chính phủ cũng hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm trong từng trường hợp cụ thể, như:
- Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
- Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác trong năm từ 3 tháng đến dưới 6 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
- Cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng.
Nếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên thì phải kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ, trừ trường hợp không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ.
- Tại thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng, trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc nghỉ ốm, nghỉ chế độ thai sản, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Sau đó, gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác để thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng.
Việc đánh giá, xếp loại này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Bởi kết quả của việc đánh giá sẽ là cơ sở để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật.
Minh Phương (Báo Lao động)