Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết 02 Bộ Chính trị), ông Trần Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) có một số nội dung trao đổi về việc thực hiện Nghị quyết này.
Đ/c Trần Hồng Tuấn - Phó Chủ tịch CĐNHVN
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và đối với CĐNHVN nói riêng?
PCT Trần Hồng Tuấn: Đầu tiên có thể nói, tổ chức Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, nằm trong Mặt trận tổ quốc Việt Nam, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước, luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đứng trước trực trạng về tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam và những cơ hội, thách thức từ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là hết sức cần thiết và kịp thời; giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các cấp nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đúng như quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị đã nêu trong Nghị quyết: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Việc ban hành Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị sẽ giúp cho tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐNHVN nói riêng có cơ sở vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn các cấp, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, khi tới đây sẽ có sự xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác tại các doanh nghiệp; công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cũng được đặt ra để khắc phục thực trạng một bộ phận cán bộ công đoàn chuyên trách năng lực yếu, chậm đổi mới tư duy, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ, vẫn còn có lúc, có nơi, cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn và người lao động còn xem nhẹ vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn, nên dẫn đến có tình trạng hiểu: công đoàn là hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao, thăm hỏi ốm đau; cán bộ không bố trí làm việc chuyên môn thì mới chuyển làm công tác công đoàn;… Chính vì vậy, nhận thức được tầm quan trọng của của Nghị quyết số 02, trên cơ sở Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; căn cứ Chương trình hành động số 01/CTr-BCS ngày 30/6/2021 của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/11/2021, Ban Chấp hành CĐNHVN đã ban hành Chương trình hành động số 679/CTr-CĐNH thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” của CĐNHVN để triển khai đến các cấp công đoàn trong hệ thống. Trên cơ sở đó, các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy đồng cấp xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động và tổ chức thực hiện cho phù hợp với tính hình thực tế của cấp mình.
PV: Những nội dung chính Chương trình hành động số 679/CTr-CĐNH ngày 30/11/2021 của CĐNHVN là gì thưa ông?
PCT Trần Hồng Tuấn: Mục đích chính của Chương trình là tuyên truyền, quán triệt đến các cấp công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nắm vững những nội dung cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngành Ngân hàng trong tình hình mới, xác định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; định hướng cho các cấp công đoàn bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của Ngành, của từng đơn vị từ đó đề ra các giải pháp cụ thể hóa nội dung hoạt động để triển khai, thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chương trình hành động của CĐNHVN gồm nhóm các chỉ tiêu hằng năm, chỉ tiêu theo giai đoạn (giai đoạn đến năm 2023, giai đoạn đến năm 2025, giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn đến năm 2045), bao gồm các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn, chỉ tiêu đào tạo cho cán bộ công đoàn về nghiệp vụ công đoàn và kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên người lao động, các chi tiêu về tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chỉ tiêu về xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, chỉ tiêu về xây dựng, ký thỏa ước lao động tập thể,… Kèm theo đó là 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung chủ yếu vào các nội dung gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và chất lượng đội ngũ CCVCLĐ; tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, người lao động tuân thủ pháp luật, chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị và của Ngành, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 04c/NQ-BCH ngày 30/9/2019 của Ban Chấp hành CĐNHVN về “xây dựng và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XI, XII, XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” tới đoàn viên, CCVCLĐ.
Thứ hai, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp, tham mưu, đề xuất những kiến nghị xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “Vì lợi ích đoàn viên” trong ngành Ngân hàng gắn với việc thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề số 04a/NQ-BCH ngày 30/9/2019 của Ban Chấp hành CĐNHVN (CĐNHVN) về “chăm lo đoàn viên, người lao động trong ngành Ngân hàng thông qua ký kết Thỏa ước lao động tập thể”.
Thứ ba, các cấp công đoàn tham mưu với cấp ủy, chủ động đề xuất với chuyên môn tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí mở lớp đào tạo hoặc cử đoàn viên, người lao động tham gia các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực, nhiệt tình và có thực tiễn công tác; xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công đoàn ở các cấp, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ công đoàn chuyên trách, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Khóa XII “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong giai đoạn mới”;
Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/BCS ngày 12/12/2018 của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn trong ngành Ngân hàng”; Nghị quyết chuyên đề số 04b/NQ-BCH ngày 30/9/2019 của Ban Chấp hành CĐNHVN về “xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”; thực hiện sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của CĐNHVN, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chất lượng, hiệu quả của công đoàn các cấp; tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, triển khai các hoạt động công đoàn; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Nữ công quần chúng tại các CĐCS. Tham gia thực hiện hiệu quả chính sách lao động nữ và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đối với lao động nữ.
Thứ năm, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên; tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CCVCLĐ; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn để tổ chức phát động với các phong trào thi đua yêu nước cho phù hợp với tình hình hoạt động tại mỗi cấp công đoàn, trọng tâm là các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Cán bộ Ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi vững tin vào hội nhập khu vực và quốc tế”; phong trào “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà” trong nữ CCVCLĐ… Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả, lan toả trong các cấp công đoàn và toàn ngành Ngân hàng.
Thứ bảy, Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Trong đó tập trung triển khai các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh thất thoát tài chính, tài sản công đoàn; sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản do công đoàn quản lý để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế công đoàn nhằm tăng nguồn thu cho tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn.
PV: Ông cho biết thêm, những định hướng hoạt động của CĐNHVN trong bối cảnh, diễn biến dịch bệnh covid-19 như hiện nay?
PCT Trần Hồng Tuấn: Từ năm 2020 đến nay, diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19 đã ảnh hưởng, làm thay đổi nhiều đến hoạt động của tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn ngành Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt trong năm 2021, nhiều hoạt động phải hoãn, hủy hoặc thay đổi hình thức tổ chức thực hiện. Trong đó có nhiều hoạt động của các cấp công đoàn dự kiến tổ chức để chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951 - 06/5/2021) phải hủy và thay đổi hình thức tổ chức, nhiều hoạt động được áp dụng hình thức online qua mạng, nhiều cuộc thi, phong trào được tổ chức trực tuyến. Chính từ đó, hoạt động công đoàn lại tìm ra hướng tổ chức hoạt động mới thích ứng, phù hợp với tình hình và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về chuyển đổi số.
Ngoài ảnh hưởng đến hoạt động phong trào công đoàn, thì tình hình dịch bệnh covid-19 có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, sức khỏe của cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng. Từ đó, các cấp công đoàn tập trung nhiều cho các hoạt động, công tác phòng chống dịch; hỗ trợ, chăm lo cho cán bộ, đoàn viên, người lao động ảnh hưởng bởi dịch covid-19 (các trường hợp F0, F1 phải điều trị, cách ly, công tác 3 tại chỗ,…) theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tính đến ngày 31/10/2021, CĐNHVN đã chi hỗ trợ khẩn cấp cho 922 trường hợp cán bộ, đoàn viên, người lao động ảnh hưởng bởi dịch covid-19 (tử vong, F0, F1, hoàn cảnh khó khăn nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, có thân nhân tử vong do covid-19) với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng; các công đoàn cấp trên cơ sở đã chi hỗ trợ khẩn cấp cho 4.863 trường hợp là cán bộ, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 (trường hợp F0, F1, tử vong và có thân nhân tử vong, thực hiện 3 tại chỗ, hoàn cảnh khó khăn, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, phải nghỉ việc không lương do cư trú trong khu vực phong tỏa) số tiền trên 13,6 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài của dịch bệnh covid-19, CĐNHVN tiếp tục tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp trong hệ thống đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch trong CNVCLĐ, kịp thời hỗ trợ những trường hợp cán bộ, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tại địa phương, đơn vị; tổ chức các hoạt động, phong trào bằng các hình thức phong phú, phù hợp, thích ứng trong điều kiện phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các hoạt động công đoàn.
Năm 2022, là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội VI CĐNHVN, đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 -2028. Vì vậy, công đoàn các cấp trong hệ thống cần tập trung công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 theo quy định, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội cấp mình đã đề ra; tổ chức, phát động các phong trào thi đua, hoạt động thiết thực chào mừng đại hội công đoàn các cấp hướng tới Đại hội VII CĐNHVN và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV