Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành năm 2022
Theo đó, ngày 28/12/2021, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 9187 về việc phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 gồm những nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về hoạt động tiền tệ - ngân hàng, đảm bảo minh bạch, kịp thời, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng;
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế;
Ba là, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, để phục hồi sản xuất – kinh doanh;
Bốn là, triển khai quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xây dựng, hoàn thiện và triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD;
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hiệu quả hoạt động giám sát; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro trong hoạt động của TCTD và ngăn ngừa nguy cơ biến thoái pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng;
Sáu là, triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng;
Bảy là, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của TCTD. Các TCTD chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động để dành nguồn lực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ;
Tám là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Nâng cao chất lượng công chức, công tác dự báo, thống kê. Đổi mới hoạt động truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với ngân hàng.
Chín là, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, văn hóa công vụ, đạo đức nghề nghiệp;
Mười là, tổ chức thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19. Coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống đối với lãnh đạo quản lý, giảng viên và sinh viên.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cụ thể hóa các nội dung thi đua, phát động và tổ chức thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Nhân dịp này, Phó Thống đốc kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Ngân hàng quyết tâm, nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao.
Hà My. Ảnh: ĐK (SBV)