Ngày 17/1, tại TP.HCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng cùng lãnh đạo các vụ, cục chức năng của NHNN đã có buổi gặp gỡ, làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt NHNN Chi nhánh TP.HCM và các cơ quan, đơn vị thuộc NHNN đóng tại TP.HCM.
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM đã thông tin với Ban lãnh đạo NHNN về tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng tại TP.HCM trong năm 2021 vừa qua.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt
Ông Dũng cho biết, trong năm qua, mặc dù bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 nhưng hệ thống TCTD tại TP.HCM vẫn được đánh giá là một trong những ngành, lĩnh vực vượt khó và duy trì hoạt động tốt nhất trên địa bàn, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tính đến cuối 2021, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD tại TP.HCM đạt hơn 3,14 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng trên 2,83 triệu tỷ đồng, tăng 11,85% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng bình quân các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt tại TP.HCM đều đạt ở mức cao, từ 30-35%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân duy trì sản xuất kinh doanh và khôi phục kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, trong năm vừa qua, hệ thống TCTD tại TP.HCM đã thực hiện tổng thể nhiều giải pháp chủ động, tích cực. Đến hết năm 2021 đã có khoảng 2,4 triệu tỷ đồng được các TCTD tại địa phương hỗ trợ khách hàng theo cơ chế hỗ trợ của Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 của NHNN.
Đặc biệt, trong quý IV/2021, khi TP.HCM nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đã có sự bức tốc khá mạnh mẽ.
Ghi nhận những kết quả tích cực mà ngành Ngân hàng tại TP.HCM đã đạt được trong năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá rất cao vai trò của hệ thống ngân hàng tại địa phương. Thống đốc nhấn mạnh rằng vai trò của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM là rất lớn đối với toàn hệ thống ngân hàng cả nước, bởi quy mô tổng tài sản, quy mô tổng dư nợ và số lượng các chi nhánh TCTD tại địa bàn TP.HCM đều chiếm tỷ trọng lớn trong toàn hệ thống.
Bên cạnh những kết quả tích cực ngành Ngân hàng nói chung và hệ thống các TCTD tại TP.HCM nói riêng đã đạt được trong năm 2021 vừa qua, Thống đốc cho rằng bước sang năm 2022, ngành Ngân hàng vẫn sẽ đối mặt với khá nhiều thách thức lớn.
Ban Lãnh đạo NHNN tặng quà và chúc tết các đơn vị trực thuộc NHNN tại TP HCM
Theo đó, hiện nay các biến chủng của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biết có phát sinh thêm hay không và tốc độ lây lan dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế cả nước và các địa phương. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp, các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi tích cực thì áp lực đối với hệ thống ngân hàng có thể phần nào được giải tỏa, ngược lại thì nguy cơ phát sinh thêm nợ xấu từ các hoạt động hỗ trợ khách hàng sẽ ngày càng lớn và cần lường trước để cân đối các kế hoạch xử lý kịp thời, đảm bảo vừa hỗ trợ nền kinh tế vừa giữ được sự ổn định của hệ thống TCTD và các chỉ tiêu của chính sách tiền tệ.
Riêng với địa bàn TP.HCM, Thống đốc đề nghị Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM trong năm 2022 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương, chủ động tham gia các cuộc họp định kỳ, thúc đẩy các hoạt động kết nối với chính quyền, doanh nghiệp và người dân để triển khai tốt các chính sách tín dụng và mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Về phía NHNN, Thống đốc đề nghị các Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng và Đoàn Thái Sơn chủ động chỉ đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM thực hiện tốt các hoạt động quản lý hệ thống TCTD tại địa bàn, nhất là các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, thanh tra, giám sát các nghiệp vụ tín dụng, xử lý và hạn chế phát sinh nợ xấu.
Thạch Bình (TBNH)