Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 22/01/2025 | 12:16

Kiến thức đời sống

Tết ta, Tết tây

30/01/2022

Trong Dương lịch, ngày 1/1 - Ngày Năm mới (New Year’s Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng Tháng Một (January)

Trong Dương lịch, ngày 1/1 - Ngày Năm mới (New Year’s Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng Tháng Một (January). Đó là vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Người dân ta hay gọi là Tết tây để phân biệt với Tết ta.
Năm mới ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ vào đầu năm mới thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo tre trúc và pháo nổ đốt để xua đuổi. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ.
Khổng Tử (511 – 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Trong sách “Kinh Lễ”, ông viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Sách “Giao Chỉ Chí” của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết Nguyên đán. Sách viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy, Tết nguyên đán là ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian “nông nhàn” để người nông dân được nghỉ ngơi vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới.
Thủy tổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt ngày nay, là Thần Nông. Trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.
Thần Nông là người dạy dân trồng trọt. Sách “Thương Quân” thời Xuân thu Chiến quốc của Trung Quốc đã khen thời Thần Nông rằng: “Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ”.
Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là nhà nước đầu tiên của người Việt. Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Sách “Giao Châu ngoại vực ký” của người Hán viết hồi thế kỷ III cũng chép rằng: “Ở thời xưa Giao Chỉ chưa có quận huyện thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng ấy mà làm ăn nên gọi là dân Lạc. Đặt Lạc Vương Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Các quận huyện phần nhiều là Lạc tướng”. Tài liệu này cho thấy dân ta thời các vua Hùng làm ruộng Lạc. Từ ruộng Lạc mà cư dân gọi là Lạc dân, vua quan cũng mang danh hiệu đó: Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương. Lạc vương chính là Hùng Vương. Ngoài ra, nghề nông của người Việt dưới thời các vua Hùng cũng được phản ánh trong truyện bánh chưng bánh giầy, truyện dưa hấu, truyện trầu cau.
Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết của người Việt.
Như vậy, Tết Nguyên đán là đặc trưng của văn hóa Việt cổ. Nấu bánh chưng bánh giầy, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết Nguyên đán của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ.
Nguyễn Văn (thitruongtaichinhtiente)

Tin cùng chuyên mục