Sau hơn 6 tháng phát động, Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Hơn 600.000 sáng kiến, cải tiến được cập nhật trên Cổng trực tuyến đến ngày 31.5.2022 - kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình.
Anh Vũ Khắc Hùng (Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam) trình bày sáng kiến với Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: L.Nguyên
Hơn 69.000 sáng kiến của CNLĐ
Kết thúc “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày”, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã hoàn thành giai đoạn 1 sớm 20 ngày, tạo khí thế để các cấp công đoàn vượt hơn 100% chỉ tiêu với 654.921 sáng kiến. Trong đó có hơn 69 nghìn sáng kiến của công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.
Trân quý hơn ở những tỉnh nhỏ, số lượng đoàn viên ít như LĐLĐ tỉnh Hậu Giang vừa hoàn thành sớm chỉ tiêu cả chương trình, vừa nằm trong top 10 đơn vị có nhiều sáng kiến nhất của cả nước ở giai đoạn 1.
Nhiều địa phương đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để có bứt phá đầy ấn tượng. LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong những ngày cuối cùng của Chiến dịch cao điểm 40 ngày thi đua khi vượt lên giữ vị trí thứ 2 với 56.417 sáng kiến; LĐLĐ thành phố Hà Nội từ vị trí thứ 10 đã vươn lên dẫn đầu số người đăng ký có sáng kiến và vị trí thứ 3 với 53.379 sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng từ chỗ xếp thứ hạng gần cuối, chỉ sau 40 ngày tăng tốc, đã tăng 66 bậc trong bảng xếp hạng Chương trình “1 triệu sáng kiến”, vươn lên vị trí thứ 16 trong tổng số 82 đơn vị, cũng là đơn vị dẫn đầu của Cụm thi đua 10 LĐLĐ các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
LĐLĐ tỉnh Long An và 3 LĐLĐ tỉnh khu vực miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh duy trì sự ổn định về thứ hạng khi nằm trong danh sách 10 đơn vị có nhiều sáng kiến nhất liên tục trong suốt giai đoạn 1 của Chương trình. Trong đó LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đang không chỉ dẫn đầu với 162.890 sáng kiến mà còn dẫn đầu ở tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia Chương trình của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ.
Chia sẻ về kết quả này, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - cho biết thêm, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm đã đạt được từ Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” trong Tháng Công nhân năm 2021, đồng thời thẩm thấu việc giao chỉ tiêu định lượng đến từng cơ sở để trong thi đua không chỉ không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng.
Tổng LĐLĐVN tiếp tục ứng dụng công nghệ như một kênh đo lường kết quả, đảm bảo tính công khai trong thi đua và khen thưởng và kỹ thuật truyền thông để các nội dung phát động đã nhanh chóng, trực tiếp đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và các công đoàn cơ sở trên mọi vùng miền của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, từng cấp công đoàn đã sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn phấn đấu theo mục tiêu chung; xây dựng và công khai chính sách khen thưởng cho các tập thể có thành tích cao, về đích sớm hay những cá nhân tích cực tham gia Chương trình…
Cùng với đó là phân công cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện. 82 chuyên viên đến từ các ban chuyên môn của LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc - “mỗi người làm việc bằng hai” - vừa tham mưu công tác chỉ đạo, vừa trực tiếp thao tác kỹ thuật để hướng dẫn, hỗ trợ các CĐCS bất kể thời gian, địa điểm và thường xuyên báo cáo kết quả…
“Trong quá trình đó, có những thời điểm, có những nơi, cán bộ công đoàn trải qua nhiều áp lực, từ tính dài hạn của một nội dung thi đua; tính mới trong công tác chỉ đạo là không chỉ có ban hành văn bản mà phải trực tiếp triển khai để phát hiện điểm tiến bộ cũng như hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm; tính khó của khoa học, công nghệ đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có năng lực chủ động tiếp cận, học hỏi, sáng tạo để áp dụng vào thực tiễn công việc và hướng dẫn cho đoàn viên, người lao động” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần tận tâm, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải bày tỏ xúc động khi được biết có những cán bộ công đoàn mẫn cán như anh Nguyễn Văn Sỹ, chuyên viên Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh; chị Phan Thị Hiền, chuyên viên Ban Tổ chức - Kiểm tra LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng… đã luôn đeo bám cơ sở, sát cánh bên đoàn viên, tìm tòi, phát hiện và áp dụng nhiều cách làm hiệu quả không chỉ cho địa phương, cho Cụm thi đua mà còn phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị khác cùng thực hiện…
Tổng giá trị làm lợi hơn 10.000 tỉ đồng
Đáng chú ý, ngay tại giai đoạn 1, nhiều sáng kiến là của những người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hàng chục nghìn sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Nội dung các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực, trong đó đã có rất nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị. Thống kê sơ bộ từ phần mềm trực tuyến, tính đến ngày 31.5.2022, các sáng kiến đã được cập nhật trên phần mềm trực tuyến của Chương trình có tổng giá trị làm lợi khoảng hơn 10 nghìn tỉ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chia sẻ: “Chúng ta trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở, đặc biệt những công nhân trực tiếp sản xuất phát huy sáng kiến, cải tiến, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo hiệu quả tối ưu nhất cho 1 chu kỳ sản phẩm...”.
“Mỗi sáng kiến là một câu chuyện mà ở đó không chỉ giá trị làm lợi cao mà ý nghĩa sâu xa là ở những người lao động bình thường hay lao động trí thức hoặc nhà nghiên cứu đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, từ đôi tay, từ trí óc và hơn thế là từ lòng đam mê công việc mà chỉ những người thực sự yêu lao động mới có được. Do vậy, tất cả các sáng kiến của người lao động cần phải được người sử dụng lao động quý trọng, có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tương xứng” - PCT Trần Thanh Hải bày tỏ mong muốn.
Ngọc Tú (CĐVN)