Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân lao động vào sáng ngày 12/6/2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình sẽ có sự tham dự của 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chiều 9/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã thông tin tới báo chí về Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 và Chương trình giờ thứ 9+.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về chương trình
Thông tin tới báo chí, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trước nguyện vọng của đông đảo công nhân, lao động cả nước mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện việc làm, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của công nhân; Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại vào sáng ngày 12/6/2022 tại Bắc Giang với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 công nhân lao động tham gia tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022 nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/02/2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị “Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động” theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Thông qua Chương trình, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai Chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, để chuẩn bị cho Chương trình, ngày 16/5/2022, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.
Trong đó, những vấn đề được công nhân lao động quan tâm đề cập nhiều đó là: Tăng lương tối thiểu; sửa chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng tăng niềm tin cho người lao động; chỉ đạo, đôn đốc giải quyết chính sách cho người lao động; vấn đề về nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn…
Trong khuôn khổ của Chương trình, sáng 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ đi thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ và khu nhà ở xã hội.
Nhân dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chính thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”, một chương trình giải trí truyền hình dành cho công nhân lao động trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
B.D (Laodongthudo)