Chiều 9.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ, ngành về tổ chức, bộ máy của Nhà văn hoá Lao động (NVHLĐ).
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng đại diện 20 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành.
Trình bày báo cáo một số khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến ban, bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại nhà văn hóa lao động của tổ chức Công đoàn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Vũ Mạnh Tiêm cho biết, thực tế cho thấy nhiều NVHLĐ, do thành lập và hoạt động mấy chục năm, đã xuống cấp, trang thiết bị hoạt động thiếu, hoặc cũ, ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động. Về quy mô cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động không đồng đều.
Một trong những vướng mắc hiện nay là theo Điều 9 Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30.12.2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, thì thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm của NVHLĐ thuộc tỉnh ủy, thành ủy quyết định. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố không xin được tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt đề án vị trí việc làm của NVHLĐ (với lý do NVHLĐ là do tổ chức Công đoàn thành lập, không phải do tỉnh thành lập), hoặc có NVHLĐ được phê duyệt nhưng chỉ được 3 biên chế viên chức, có NVHLĐ không được phê duyệt một biên chế viên chức nào. Đây là khó khăn cho nhiều NVHLĐ.
Về quy định số lượng người làm việc tại NVHLĐ khi xây dựng đề án vị trí việc làm cũng đang có vướng mắc. Một trong số đó là để đảm bảo đủ tối thiểu 15 người làm việc, các NVHLĐ mới chỉ tự chủ một phần chi thường xuyên (nhóm 3) có thể ký hợp đồng lao động không? Đây là nội dung vướng mắc vì trong 30 NVHLĐ cấp tỉnh của tổ chức công đoàn, có tới 17 đơn vị có dưới 15 người làm việc, trong đó đa phần mới chỉ tự chủ một phần chi thường xuyên.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc như xác định danh mục dịch vụ công giao trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và đơn giá để thực hiện giao nhiệm vụ, giao kinh phí cho NVHLĐ; mô hình tổ chức của một số NVHLĐ cấp tỉnh đang đề nghị sáp nhập, NVHLĐ khu công nghiệp chưa có tư cách pháp nhân và các NVHLĐ quận, huyện, khu công nghệ cao của LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh…
Trao đổi về những vướng mắc trong thực tế, bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành Phố Đà Nẵng cho biết NVHLĐ Thành phố Đà Nẵng thành lập từ rất lâu. Khi thực hiện sắp xếp bộ máy theo chủ trương, do hạn chế trong số lượng biên chế công chức của Thành uỷ giao nên LĐLĐ Thành phố phải tách 1 công chức đưa về làm giám đốc NVHLĐ (có thể gọi là điều tiết trong số công chức đang có). Bà Hà khẳng định ủng hộ việc các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ nhưng cần có lộ trình. Đồng quan điểm với bà Hà, bà Trần Thị Diệu Thuý - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải có lộ trình đối với vấn đề này. Bà Thuý cho biết thêm, tại Thành phố Hồ Chí Minh, NVHLĐ Thành phố có nhiều thuận lợi như đã được phê duyệt sử dụng tài sản công của Tổng Liên đoàn; có hồ bơi, có cơ sở vật chất nên dù số nhân sự ở đây là 80 nhưng LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ giao nhiệm vụ, không giao tiền…
Đối với 17 NVHLĐ quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh, LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đề nghị không phải là mô hình đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay, mà chỉ là Trung tâm sinh hoạt văn hóa công nhân (đề xuất tại hội nghị ngày 23.2.2023). Như vậy mô hình tổ chức và hoạt động sẽ như thế nào?
Vấn đề hoạt động của NVHLĐ, ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho rằng cần phải thu hút được NLĐ đến với các hoạt động văn hoá, thể thao. Tại Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh ký hợp đồng với NVHLĐ để NVHLĐ tổ chức các hoạt động văn nghệ, các giải thể thao. Đây là một trong những thuận lợi để NVHLĐ đảm bảo cho bộ máy 10 người và phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, từ thực tế, ông Thọ nhấn mạnh cơ sở vật chất là yếu tố rất quan trọng, đồng thời chia sẻ việc thiếu biên chế hiện nay đã gặp ở các cấp khiến các hoạt động gặp không ít khó khăn.
Congdoan.vn