Bên thềm Đại hội công đoàn Agribank lần thứ VI, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đức Tuấn - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Agribank về những khó khăn và hướng phát triển của Công đoàn Agribank nhiệm kỳ tới.
Ông Phạm Đức Tuấn - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Agribank
PV: Nhiệm kỳ vừa qua hoạt động Công đoàn Agribank đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Ông Phạm Đức Tuấn: Vâng, đúng là vậy. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, năm 2018 Agribank đã tổ chức thành công Hội diễn và năm 2022 tổ chức thành công Hội thao toàn hệ thống. Đây là một dấu ấn lớn, một nỗ lực rất lớn. Bởi trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 với lực lượng lao động lớn trên 39.500 cán bộ và 7000 lao động thời vụ thì ảnh hưởng của dịch bệnh là không hề nhỏ. Để ứng phó với dịch bệnh, ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động để vừa duy trì hoạt động vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Ngân hàng đã có bộ phận theo dõi số lượng cán bộ nhiễm, số lượng địa điểm bị cách ly, số người khỏi bệnh. Đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các cấp công đoàn có biện pháp phòng chống dịch cho người lao động. Cùng với đó tổ chức tiêm phòng, hỗ trợ người lao động khi nhiễm F0.
PV: Thưa ông, trong giai đoạn Covid -19 đời sống của người lao động bị ảnh hưởng như thế nào? Công đoàn có hỗ trợ gì cho người lao động?
Ông Phạm Đức Tuấn: Ngân hàng Agribank đã động viên về tinh thần và vật chất cho người lao động. Ngoài việc thăm hỏi, động viên cán bộ, ngân hàng thực hiện bố trí lao động luân phiên để người lao động vẫn đảm bảo trực ở cơ quan và bộ phận làm việc trực tuyến để công việc luôn đảm bảo vận hành thông suốt. Bên cạnh đó ngân hàng cũng có sự trợ giúp về kinh phí cho những người không may mắc bệnh, ngoài ra còn có những hỗ trợ hết sức thiết thực như cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn, các bảng nhựa cách ly... Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, Agribank thực hiện tốt công tác an sinh - xã hội. Ngân hàng đã có rất nhiều quyên góp từ phúc lợi, từ kinh doanh... để hỗ trợ phòng chống dịch cho TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang...
PV: Theo ông, làm thế nào để người lao động hào hứng tham gia các phong trào?
Ông Phạm Đức Tuấn: Khi Covid-19 bùng phát thì hoạt động phong trào cũng gặp rất nhiều khó khăn, song Công đoàn Agribank đã đẩy mạnh phát triển các phong trào theo hình thức trực tuyến. Nhiều hình thức sinh hoạt trực tuyến hấp dẫn đã được các cấp công đoàn Agribank triển khai thực hiện. Chính vì thế công đoàn Agribank đã thành công trong phòng chống dịch bệnh. Minh chứng rõ ràng nhất là 5 năm qua, hoạt động của Agribank đã hoàn thành thắng lợi toàn diện tất cả các mục tiêu kinh doanh kể cả trong những năm đại dịch Covid bùng phát. Thành công ấy được ghi nhận qua Huân chương Lao động hạng Nhất của Agribank được Đảng và Nhà nước tặng nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập ngân hàng.
Ngoài ra, hai mục tiêu kép Chính phủ đặt ra là vừa chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh hiệu quả thì ngân hàng đã làm rất tốt. Thành tích này đạt được là do sự đồng lòng chỉ đạo sáng suốt của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo ngân hàng, và Công đoàn cũng đóng góp một phần không nhỏ vào thành công đó.
PV: Ông có thể chia sẻ về phương hướng và mục tiêu trong nhiệm kỳ tới?
Ông Phạm Đức Tuấn: Kết thúc một nhiệm kỳ, mặc dù rất khó khăn song Agribank đã đạt được rất nhiều thành tích. Trong nhiệm kỳ tới, hoạt động công đoàn Agribank phải đối mặt với những thách thức sau đại dịch mà nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế do hưởng hậu Covid. Những tác động tiêu cực của các cuộc xung đột đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng và Agribank nói riêng. Rồi cuộc CMCN4.0 cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nó cũng tác động đến hoạt động công đoàn khi liên quan đến trình độ, vị trí việc làm... Một vấn đề nữa hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ tới là thực hiện đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo đề án của Thủ tướng Chính phủ. Agribank cũng đang nỗ lực thực hiện cổ phần hóa, trong đó có hai vấn đề hết sức quan trọng là tài sản và con người. Điều này cũng tác động trực tiếp đến hoạt động công đoàn như tâm tư, tình cảm vị trí việc làm, tiền lương...
Với bối cảnh như vậy và theo tinh thần của Tổng liên đoàn Lao động đề ra, chúng tôi đặt ra bốn giải pháp cần phải quan tâm đó là:
Đổi mới: Chúng ta phải đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục người lao động để tạo ra sự hào hứng cho người lao động.
Dân chủ: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở thông qua Hội nghị người lao động, thông qua các thỏa ước, đối thoại... để người lao động bày tỏ, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình theo đúng tinh thần dân chủ.
Đoàn kết: Công đoàn cũng phải thiết thực quan tâm, bảo vệ người lao động để người lao động được chăm lo, quan tâm cả về tinh thần, vật chất thông qua các phong trào văn hóa thể thao, nữ công thông qua công tác thăm hỏi, động viên để người lao động nhận ra sự khác biệt khi tham gia công đoàn và không tham gia công đoàn tạo ra một khối đoàn kết, thống nhất trên toàn hệ thống. Sự đoàn kết ấy chỉ thực hiện được thông qua sự quan tâm lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau mới tạo ra sự đoàn kết bền vững được.
Phát triển: Nhiệm vụ chính của Công đoàn phải bám sát được chủ trương, đường hướng của Đảng ủy Agribank, Ban điều hành để triển khai các nhiệm vụ đến người lao động. Thông qua các hoạt động công đoàn để động viên người lao động hoàn thành nhiệm vụ của chính mình. Mỗi người hoàn thành nhiệm vụ của mình sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn của toàn hệ thống để đẩy mạnh phát triển Agribank bền vững. Ngoài ra mỗi cán bộ Agribank đang làm công tác công đoàn luôn luôn phải trau rồi, học hỏi và phải có nhiệt huyết để hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thanh Thủy (TBNH)