Chiều 21/9, NHNN Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tham dự và chủ trì Hội nghị, có đồng chí Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN; đồng chí Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội. Cùng ại diện các vụ, cục của NHNN, đại diện các NHTM; các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp cùng trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần… những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức. Cụ thể, bối cảnh thế giới biến động phức tạp khó lường, chưa hết ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lại bị đã ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng, bên cạnh đó, vốn của nền kinh tế lại phụ thuộc lớn vào ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào 3 động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là một lĩnh vực rất được quan tâm. Theo thống kê, tín dụng 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5,33%, trong khi tín dụng cả năm 2022 tăng hơn 14%. Theo Thống đốc, điều này có có nhiều nguyên nhân cần được phân tích.
Về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 02 hội nghị, 05 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; NHNN đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 02 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế.
Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, hiện đứng thứ 2 về dân số, đóng góp gần 20% GDP cả nước, 8 tháng đầu năm tăng trưởng của thành phố ở mức cao so với các tỉnh thành trên cả nước, tỷ lệ vốn FDI, tăng trưởng tín dụng đều tốt.
Đặc biệt, 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 10,6%, gấp đôi so với tín dụng của nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là cơ hội để nhìn lại các nỗ lực đã làm được, vừa nêu ra hạn chế, khó khăn từ đó có những giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Quỳnh Trang - ảnh: Hoàng Giáp (TBNH)