Chiều 27/10, NHNN tổ chức Hội nghị Triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước; các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, bối cảnh kinh tế năm 2023 là vô cùng khó khăn cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, kinh tế thế giới chịu tác động của lạm phát toàn cầu. Mặc dù các nước đã thắt chặt chính sách tiền tệ tuy nhiên lãi suất vẫn ở mức cao. Chỉ trong vòng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mức lãi suất của FED đã trên 5% và dự báo thời gian tới sẽ có nhiều biến động khó lường, phức tạp; chỉ số USD còn cao, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài chưa có hồi kết… Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam hội nhập, mở cửa nên chịu tác động không nhỏ từ bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ. Kết quả cho tới hết tháng 9, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu cơ bản: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cải thiện dần từ quý II, nhất là quý III, so với các nước trên khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao.
Đối với hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành hợp lý. Tuy nhiên những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để nên cũng đã gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.
Trước bối cảnh trên, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, Cụ thể, dù lãi suất thế giới vẫn neo cao, nhưng NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện các TCTD giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2%/năm so với cuối năm ngoái.
Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, NHNN cũng đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, gói tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các nhà băng. Đồng thời, NHNN cũng triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua đó để cùng các TCTD tìm ra giải pháp cùng nhau tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, NHNN là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31, phối hợp với các bộ ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai.
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm. Trong thời gian tới, bối cảnh còn rất nhiều, thách thức, trong khi đó, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống vừa phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, người dân doanh nghiệp… Do vậy, theo Thống đốc việc xác định giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào là rất quan trọng. Trên tinh thần đó, NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023. “Phải chuẩn bị tâm thế, hết khó khăn này sẽ tới khó khăn khác, thách thức này tới thách thức khác, khó có thể đoán định khi nào sẽ “bình yên". NHNN không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc chia sẻ thêm định hướng điều hành chính sách.
Quỳnh Trang - ảnh: Hoàng Giáp (TBNH)