Hoạt động Ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “Tín”. Hơn ai hết, cán bộ ngân hàng phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng; có trách nhiệm cao, thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để dòng tiền - huyết mạch của nền tài chính quốc gia được thông suốt.
Đ/c Hồng Quang - Ủy viên BTV Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Vietcombank, trong tham luận tại Đại hội XIII đã cho biết như vậy.
Đ/c Hồng Quang - Ủy viên BTV Công đoàn NHVN, Chủ tịch Công đoàn Vietcombank tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Trong những năm qua, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ Ngân hàng, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong toàn hệ thống ngành Ngân hàng, qua đó tăng niềm tin và giữ hình ảnh đẹp về ngành ngân hàng, thúc đẩy, năng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển thương hiệu.
Nhận thức văn hóa là nhân tố quan trọng, ngành Ngân hàng luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, tích cực hỗ trợ cộng đồng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng "Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng”, ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới”, tổ chức các buổi tọa đàm về “Vai trò của tổ chức công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, các Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng”,… nhằm góp phần hình thành các giá trị chuẩn mực trong việc thực thi nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động kinh doanh và xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của ngành Ngân hàng trong hội nhập quốc tế.
Các cấp Công đoàn trong toàn hệ thống đã phát huy vai trò, chủ động, tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, giúp nhiều đơn vị trong ngành phát triển thương hiệu vươn ra tầm khu vực và quốc tế, tạo dấu ấn và giành được nhiều tín nhiệm từ đối tác và khách hàng. Một trong số đó phải kể đến Vietcombank.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank luôn xác định các giá trị truyền thống và văn hóa cốt lõi là nền tảng; ý chí và khát vọng là động lực, là sức mạnh quý báu cho sự phát triển bền vững của Vietcombank. Theo đó, Công đoàn Vietcombank đã tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Vietcombank ban hành Nghị quyết về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy 5 giá trị văn hóa cốt lõi “Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân” và sức mạnh con người Vietcombank; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết như: (1) Tham mưu các cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đãi ngộ tài chính, đãi ngộ ngoài lương, xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, hiệu quả, chuyên nghiệp với không gian làm việc hiện đại, phân công công việc hợp lý, cán bộ được đào tạo, có cơ hội thăng tiến rõ ràng, được khuyến khích đổi mới, sáng tạo; (2) Tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức, văn hóa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động thông qua: Hội thi “Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh”, Cuộc thi Vietcombank 60 năm: “Lan tỏa tự hào - Khát khao cống hiến”; Cuộc thi “Đổi mới - Sáng tạo để phát triển và hội nhập” và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội vì cộng đồng,…
Với những kết quả đã đạt được, Vietcombank là đơn vị 8 lần liên tiếp được bình chọn “Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam” và 4 lần liên tiếp được trao giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
Với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, thương hiệu, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng tinh thần sẵn sàng đổi mới, Công đoàn Vietcombank sẽ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để gìn giữ, phát huy 5 giá trị văn hóa truyền thống tại Vietcombank; xây dựng cán bộ Vietcombank phát triển toàn diện cả về “Tâm lực - Trí lực - Kỹ lực - Thể lực”, góp phần đưa Vietcombank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung phát triển nhanh, bền vững, hoạt động an toàn và hiệu quả, xứng danh đơn vị “Anh hùng lao động”.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, mà còn bằng uy tín, thương hiệu, đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Bên cạnh, những kết quả đã đạt được, trong thực tế vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi; vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà xem nhẹ lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường thiên nhiên…
Từ thực tiễn đó, để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau:
Một là, Việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong tình hình mới.
Hai là, Mở chuyên mục: “Công đoàn với văn hóa doanh nghiệp” trên các phương tiện truyền thông trong hệ thống Công đoàn nhằm chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Ba là, Xây dựng môi trường văn hoá số giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá sáng tạo, các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt với thay đổi, từ đó tạo ra sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
CĐNHVN