Nhiều chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 12-2023 người lao động cần biết.
1. Thời giờ nghỉ ngơi với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2023/TT-BCT ngày 8-11-2023 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Theo đó, thời giờ nghỉ ngơi với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển được hướng dẫn như sau:
- Sau mỗi ca làm việc, người lao động được bố trí nghỉ liên tục tối thiểu 10 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc mới.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ giải lao giữa giờ làm việc tính vào thời giờ làm việc, trong đó tổng thời gian nghỉ giữa giờ làm việc tối thiểu 60 phút và phải đảm bảo được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
- Ngoài thời gian nghỉ giữa ca làm việc, sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc thường xuyên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.
- Người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ phù hợp với tình hình công việc, theo tỷ lệ như sau:
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày làm việc trong tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù nửa ngày làm việc;
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày nghỉ hàng tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 1 ngày làm việc;
+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển ngày Lễ, Tết: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 2 ngày làm việc.
2. Sửa đổi một số quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương
Ngày 31/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 18/2023/TT-BCT sửa đổi và bãi bỏ một số điều của Thông tư quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, một số điều của Thông tư 09/2017/TT-BCT quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương được Thông tư 18/2023/TT-BCT sửa đổi, đơn cử như sau:
* Khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2017/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung như như sau:
Đối tượng kiểm định nhóm B (nhóm B) bao gồm:
- Đối tượng kiểm định nhóm B1 (nhóm B1) là nồi hơi công nghiệp có áp suất trên 16 bar.
- Đối tượng kiểm định nhóm B2 (nhóm B2) là bình chịu áp lực, hệ thống đường ống dẫn hơi và nước nóng.
* Điều 7 Thông tư 09/2017/TT-BCT quy định về kiểm định viên được sửa đổi, bổ sung như sau:
Kiểm định viên phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và Điều 2 Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
* Điều 10 Thông tư 09/2017/TT-BCT về hình thức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Sát hạch sau huấn luyện, áp dụng đối với: Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên lần đầu, kiểm định viên bị thu hồi chứng chỉ, kiểm định viên có chứng chỉ đã hết hạn.
- Sát hạch sau bồi dưỡng áp dụng đối với kiểm định viên đã được cấp chứng chỉ ít nhất một lần trong thời gian 36 tháng kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ.....
3. Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Ngày 22-9-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 24/2023/QĐ-TTg về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo đó, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Khi đang thi hành nhiệm vụ bị một trong các tai nạn sau:
+ Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương;
+ Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người không xác định được tình trạng nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương.
- Có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do cơ sở xét nghiệm theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện.
Mẫu máu sử dụng xét nghiệm HIV phải lấy từ người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai nạn quy định tại khoản 1 Điều 2 QĐ 24/2023/QĐ-TTg
Theo NLĐ