Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2024 | 03:55

Tin TLĐ

Duy trì kinh phí công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động

26/10/2024

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành duy trì kinh phí công đoàn 2%, đồng thời cho rằng, cần bảo đảm tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn để giúp cho công đoàn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Ảnh: Hải Nguyễn
Kinh phí công đoàn đã phát huy hiệu quả
Ngày 24.10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). ĐBQH Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật.
“Nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao” ĐBQH cho biết.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn, nên khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm.
Tuy nhiên, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ và bảo vệ duy trì quyền lợi cho ĐV, NLĐ tại CĐCS thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn.
“Do đó việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với ĐV, NLĐ, trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” ĐBQH phân tích.
Liên quan đến kinh phí công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.
ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, quy định này là phù hợp, tuy nhiên cần quy định nguyên tắc phân chia, cơ quan có thẩm quyền phân chia. “Việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định, như thế vừa linh hoạt, vừa phù hợp với từng cấp công đoàn, tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, vừa đảm bảo quyền tự quyết công việc nội bộ của Công đoàn” ĐBQH chia sẻ.
Đây cũng là ý kiến của ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận). ĐBQH đồng ý với việc không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn, tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định để đảm bảo cơ chế để thực hiện nội dung này. Việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp thì cần quy định cụ thể giao cho Tổng LĐLĐN quy định, như thực tiễn từ trước đến nay công đoàn vẫn đang làm nhiệm vụ này.
Đề xuất quy định để công đoàn độc lập hơn với chủ sử dụng lao động
Vấn đề bảo đảm tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn cũng được nhiều ĐBQH quan tâm, đóng góp ý kiến. ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, hiện nay nhiệm vụ của công đoàn ngày càng phức tạp, khối lượng công việc ngày càng lớn, nhưng biên chế rất hạn chế, điều này gia tăng áp lực với cán bộ công đoàn, nhất là CĐCS.
So với các tổ chức chính trị xã hội khác, biên chế cán bộ công đoàn chỉ bằng 1/3. Theo đại biểu, con số này không đáp ứng được chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là khi số lượng CĐCS và đoàn viên gia tăng.
Ngoài ra, việc quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương. Công đoàn trả lương cho cán bộ trong toàn hệ thống, nhưng biên chế do cấp ủy địa phương quản lý, dẫn đến sự không đồng đều trong phân bổ nhân sự.
Ông Thạch Phước Bình đề xuất cơ chế như Luật Công đoàn của một số nước: Ở những doanh nghiệp có từ 200 NLĐ trở lên thì được phép bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách để đảm bảo hoạt động tương đối độc lập; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp đông công nhân không thuộc biên chế công chức nhưng được tuyển dụng dưới hình thức hợp đồng lao động. “Điều này sẽ giúp cho công đoàn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ” - ông nói.
ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng, hiện nay, số lượng biên chế được giao của công đoàn ít, trong khi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động liên tục tăng, cơ sở của công đoàn liên tục phát triển nên việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc hợp đồng.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH, Tổng LĐLĐVN được giao quyền tự chủ trong quản lý nguồn tài chính của Công đoàn theo các quy định của pháp luật. Do vậy, để đảm bảo quản lý, tổ chức hoạt động của Công đoàn, đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng LĐLĐVN được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và CĐCS…
Sửa luật phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, chia sẻ đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Chủ tịch Tổng LĐLĐVN một lần nữa nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt và thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn.
“Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.
Giải trình về những vấn đề cụ thể, về kinh phí công đoàn, Chủ tịch LĐLĐVN cho biết, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2% và trong quá trình soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động.
Về bảo đảm tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang thông tin, trên tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị, trong đó đã quy định “nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế”, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền có sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng cán bộ công đoàn để đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh trong hoạt động công đoàn…
Đồng tình quy định cho phép lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cho phép NLĐ nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam trong dự thảo luật là phù hợp bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của NLĐ nước ngoài tại Việt Nam; đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng; đảm bảo sự tương thích đồng bộ trong hệ thống luật pháp. Đây còn là quy định quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên; tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và nước ngoài.
Nhóm PV báo Lao động

Tin cùng chuyên mục