Thứ ba, 23/04/2024 | 17:13

Thứ ba, 23/04/2024 | 17:13

Chia sẻ kinh nghiệm

Cập nhật lúc 09:52 ngày 21/04/2017

"Không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi"

Website CĐNHVN trích đăng phỏng vấn ông Điều Bá Được – Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam về vấn đề người lao động đồng loạt xin nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018 vì nghĩ rằng có lợi hơn khi nghỉ hưu sau ngày 01/01/2018. Phỏng vấn do Website BHXH Việt Nam thực hiện.

Ông Điều Bá Được – Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam

PV: Thưa ông, vừa qua, có tình trạng người lao động đồng loạt xin nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018 vì nghĩ rằng có lợi hơn khi nghỉ hưu sau ngày 01/01/2018, ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Điều Bá Được: Trước hết, tôi khẳng định không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Bởi lý do, kể từ ngày 1/1/2018 trở đi thì cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018 nhưng chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng mà không ảnh hưởng tới tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi. Cụ thể: Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi Luật BHXH 2014 quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu như sau: Đủ 15 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2% tối đa không quá 75%.

Như vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH (nghỉ hưu trước năm 2018 thì lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%), những lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.

Lao động nam nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau:
Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2019 quy định đủ 17 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 32 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2020 quy định đủ 18 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 33 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Năm 2021 quy định đủ 19 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 34 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Từ năm 2022 trở đi quy định đủ 20 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 35 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Trường hợp nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định của Luật BHXH 2014 thì còn phải giảm trừ  tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%).
Nếu tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sẽ đước tính thêm 2%. Ngoài ra theo Luật BHXH 2014 từ ngày 1/1/2008 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn tác động của quy định cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu từ ngày 01/01/ 2018 trở đi đối với lao động nam và lao động nữ như thế nào?

Ông Điều Bá Được: Về quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu từ 01/01/2018 trở đi theo Luật BHXH 2014 có tác động đến cả lao động nam và lao động nữ theo hướng quy định tăng dần theo lộ trình số năm đóng BHXH từ đủ 15 năm đến đủ 20 năm để đạt tỷ lệ 45% và tăng số năm đóng BHXH tương ứng để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa (75%) đối với lao động nam từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm, đối với lao động nữ từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm đồng thời quy định về độ tuổi nghỉ hưu sớm chặt chẽ hơn theo hướng tăng dần theo lộ trình từ năm 2016 mỗi năm thêm 1 tuổi cho đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, quy định tăng tỷ lệ suy giảm khả năng năng lao động từ 61% lên 81% đối với lao động nam đủ 50 tuổi, lao động nữ đủ 45 tuổi nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, quy định tăng tỷ lệ giảm trừ đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (nghĩa là nếu nghỉ sớm trước 5 tuổi thì phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 10%).

PV: Như vậy có phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi không thưa ông?

Ông Điều Bá Được: Một số quy định mới về chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014 có tác động đến một số đối tượng như phân tích ở trên. Người lao động cần đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để xem xét, quyết định.
Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố: Giới tính, tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức tiền lương đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu; điều kiện làm việc; thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thu Hương (Theo BHXHVN)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 0
  • 6
  • 3
  • 1
  • 1
  • 7
lên đầu trang