LỊCH SỬ CÔNG ĐOÀN NGÂN HÀNG VIỆT NAM
Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam ngày nay. Trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ, được sự dìu dắt của Đảng, Bác Hồ, ngành Ngân hàng đã cùng với đất nước góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự ra đời của ngành Ngân hàng, tổ chức công đoàn cũng được thành lập ở mỗi đơn vị và do Liên đoàn Lao động địa phương (tỉnh, thành phố hoặc quận, huyện) trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động.
Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng cần có một tổ chức Công đoàn thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến các địa phương, để cùng có chung tiếng nói và thống nhất trong hoạt động, góp phần đưa ngành Ngân hàng phát triển bền vững, thật sự xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn gắn với quá trình đổi mới hoạt động của ngành Ngân hàng, được sự đồng ý của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự chấp thuận của Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) được thành lập thống nhất từ trung ương đến địa phương theo Quyết định số 480/QĐ-TLĐ ngày 01/4/1993 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sự ra đời của Công đoàn NHVN là tất yếu khách quan, phù hợp với giai đoạn phát triển của hệ thống ngân hàng. Trong giai đoạn đổi mới và phát triển của Ngành, cần có một tổ chức công đoàn của đoàn viên, lao động toàn Ngành để vừa giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với đoàn viên, lao động, vừa thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chuyên môn đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CNVCLĐ, đồng thời cũng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, tình cảm đã có từ lâu của hàng vạn lao động trong ngành Ngân hàng.
Việc thành lập Công đoàn NHVN đưa hoạt động công đoàn tập trung một mối, phát huy tối đa sức mạnh của đoàn viên, lao động ngân hàng trong phạm vi cả nước.
Sự thành lập Công đoàn NHVN đánh dấu sự đổi mới về nội dung hoạt động công đoàn trong hệ thống Ngân hàng, đồng thời khẳng định vị trí và vai trò mới của tổ chức Công đoàn - đại diện cho người lao động trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam, kể cả các tổ chức ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức tín dụng trong tất cả các thành phần kinh tế.
Từ khi thành lập đến nay, do yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, Công đoàn NHVN cũng thay đổi tổ chức cho phù hợp. Quá trình đó được thể hiện qua 2 thời kỳ khác nhau, đó là:
Thời kỳ từ ngày thành lập (tháng 4/1993) đến tháng 1/1997:
- Theo Quyết định số 480/QĐ-TLĐ ngày 01/4/1993 của Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành lập Công đoàn NHVN, Cơ quan Thường trực Công đoàn NHVN gồm các Ban chuyên đề là Ban Tài chính, Ban Tư tưởng - Văn hóa (hiện nay là Ban Tuyên giáo), Ban Chính sách, Xã hội - Thi đua (hiện nay là Ban Chính sách – Pháp luật), Ban Nữ công, Ban Tổ chức và Quan hệ Quốc tế (hiện nay là Ban Tổ chức), Ủy ban Kiểm tra (hiện nay là Văn phòng UBKT) và Văn phòng.
- Khi mới thành lập, Công đoàn NHVN quản lí 53 Công đoàn Ngân hàng tỉnh, thành phố và 258 CĐCS; 6 CĐCS cơ quan TW, hội sở chính; 19 CĐCS các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN).
- Từ đó đến tháng 1/1997, Công đoàn NHVN vẫn quản lý các Công đoàn cấp trên cơ sở tại ngân hàng tỉnh, thành phố và Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc bao gồm các doanh nghiệp trực thuộc NHNN, các chi nhánh ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh với nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Từ tháng 1/1997 đến nay:
- Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 04/4/1996 về việc “thành lập các Công đoàn cấp trên cơ sở Tổng Công ty 90, 91/TTg” và Công văn số 1550/TLĐ về việc “đồng ý để Công đoàn NHVN ra quyết định thành lập các Công đoàn cấp dưới thuộc Công đoàn NHVN” của TLĐLĐVN, Công đoàn NHVN đã thành lập các Công đoàn cấp trên cơ sở gồm: Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Công thương Việt Nam (nay là Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam), Công đoàn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (nay là Công đoàn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (nay là Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), và Công đoàn Tổng công ty Vàng bạc Đá quý Việt Nam.
- Do yêu cầu phát triển của Ngành, sau đó Công đoàn NHVN đã thành lập thêm 04 Công đoàn cấp trên cơ sở là Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội, Công đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Công đoàn Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương và Công đoàn Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.
- Năm 2003, Công đoàn NHVN giải thể Công đoàn Tổng Công ty Vàng bạc Đá quý Việt Nam, số đoàn viên và lao động được chuyển nhập vào Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.
- Ngày 01/11/2012, Công đoàn NHVN tiếp nhận 65 CĐCS trực thuộc từ Công đoàn Ngân hàng Nhà nước VN.
- Ngày 15/12/2012, Công đoàn NHVN ra Quyết định giải thể Công đoàn Ngân hàng Nhà nước VN.
- Đến hết tháng 9/2014, Công đoàn NHVN quản lí 09 Công đoàn cấp trên cơ sở, 86 CĐCS trực thuộc Công đoàn NHVN, với gần 132.000 đoàn viên (trên gần 136.000 CNVCLĐ).
- Hiện nay, hệ thống tổ chức của Công đoàn NHVN như sau:
Dưới Công đoàn NHVN là các Công đoàn cấp trên cơ sở (dưới Công đoàn cấp trên cơ sở là các CĐCS trực thuộc); các CĐCS trực thuộc Công đoàn NHVN và Đại diện Công đoàn NHVN trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Công đoàn cấp trên cơ sở bao gồm các Công đoàn: Cơ quan Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng TMCP Công thương VN, Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT VN, Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN, Bảo hiểm Tiền gửi VN, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã VN, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng.
- Các CĐCS trực thuộc Công đoàn NHVN bao gồm Công đoàn của: các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; Học viện Ngân hàng; Đại học Ngân hàng TP HCM; các doanh nghiệp trực thuộc NHNN; các chi nhánh ngân hàng TMCP; ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
- Đại diện Công đoàn NHVN: giao 63 CĐCS NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố là Đại diện Công đoàn NHVN trên địa bàn.
Trải qua 7 kỳ Đại hội, Công đoàn NHVN đã từng bước khẳng định vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng. Trong quá trình hoạt động, được sự chỉ đạo sát sao của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công đoàn NHVN đã tìm được hướng đi đúng đắn, không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức và đổi mới phương pháp hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Ngành, của đất nước, thực sự trở thành là một tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời góp phần xây dựng ngành Ngân hàng ngày càng phát triển hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế.
CÔNG ĐOÀN NGÂN HÀNG VIỆT NAM