Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 27/07/2024 | 11:14

Tin tổng hợp

Ngành ngân hàng tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh chuyển đổi số

27/02/2023

Trong những thập kỷ qua, hoạt động ngân hàng đã có nhiều bước tiến cùng sự chuyển mình mạnh mẽ. Các công nghệ mới liên tục xuất hiện trên thị trường làm thay đổi cả mô hình tài chính cùng cách thức giao dịch truyền thống. Từ đó, nó thúc đẩy các ngân hàng phải nhanh chóng bắt kịp làn sóng chuyển đổi số, thích ứng nhanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Trong những thập kỷ qua, hoạt động ngân hàng đã có nhiều bước tiến cùng sự chuyển mình mạnh mẽ. Các công nghệ mới liên tục xuất hiện trên thị trường làm thay đổi cả mô hình tài chính cùng cách thức giao dịch truyền thống. Từ đó, nó thúc đẩy các ngân hàng phải nhanh chóng bắt kịp làn sóng chuyển đổi số, thích ứng nhanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Thực tế cho thấy sự phát triển của Internet, công nghệ hiện đại cùng ảnh hưởng từ đại dịch đã định hình lại hoàn toàn cách thức mua sắm, sử dụng dịch vụ ngân hàng của mọi người. Người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng hình thức thanh toán online không tiền mặt nhờ tính tiện lợi, tức thời. Điều này dẫn đến yêu cầu ngân hàng phải chuyển đổi số để thỏa mãn kỳ vọng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Không chỉ vậy, áp lực cạnh tranh trong ngành cùng sự ra đời của nhiều sản phẩm kỹ thuật số thay cho dịch vụ thủ công cũng là những lý do khiến chuyển đổi số ngân hàng trở thành nhu cầu tất yếu của thời đại.
Ngành ngân hàng luôn quan tâm đến chuyển đổi số phục vụ xã hội
Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công cuộc xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng với mục tiêu hiện đại hóa toàn diện hoạt động quản lý trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu CMCN 4.0. Theo đó, ngành Ngân hàng đã tập trung xây dựng, triển khai các kế hoạch chuyển đổi số, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ số, phát triển dịch vụ ngân hàng số, kết nối liền mạch hệ sinh thái số tập trung vào giá trị của khách hàng, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư tích hợp với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chuyển đổi số gắn với phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa qua Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5980/KH-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số chính là chìa khóa để phát triển các dịch vụ ngân hàng cũng như tiếp tục đạt được những bước tiến lớn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, tạo tiền đề phát triển đa dạng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các ngân hàng trên địa bàn đã nhanh chóng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động cung ứng dịch vụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)... các sản phẩm dịch vụ hiện đại, thân thiện mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như QR Code, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp… Thông qua các dịch vụ ngân hàng điện tử, các lệnh về chi trả, nhờ thu của khách hàng được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải ngân, cho vay. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có  113 máy ATM/CDM,  634  POS, các ngân hàng đã mở trên 503.378 tài khoản thanh toán, ước tính khoảng 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; số lượng thẻ  đang lưu hành là 547.736 thẻ, trong đó số thẻ ghi nợ là 491.989 thẻ, số thẻ tín dụng là  55.747 thẻ. Các giải pháp về chuyển đổi số của ngành Ngân hàng không chỉ mang lại thuận tiện, lợi ích cho khách hàng, giúp khách hàng có những trải nghiệm mới, tiếp cận những ứng dụng mới trong thời đại số hóa mà còn góp phần tạo nên một nền kinh tế số, xã hội số mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đang hướng tới.
Nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu của chiến lược chuyển đổi số, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị; Căn cứ Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị cũng đã có Quyết định số 313/QĐ-QTR ngày 06/5/2022 thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Các chương trình hành động của hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện để tỉnh Quảng Trị thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, lan tỏa ý thức chuyển đổi số sâu rộng trong nhân dân, đưa chuyển đổi số trở thành việc làm thường trực và thực chất trong suy nghĩ của từng khách hàng, nâng quyết tâm, lan tỏa tinh thần, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, ngành Ngân hàng tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025: Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thành toán điện tử; Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng Internet); Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dung của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.
Phát huy những kết quả đạt được, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt để chuyển đổi số như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro trên môi trường điện tử. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Đảm bảo chuyển dịch trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, làm cầu nối thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM.
Phát triển về hạ tầng công nghệ, các giải pháp thanh toán mới, tạo nền tảng cho sự phát triển mở rộng TTKDTM. Tập trung nguồn lực cao nhất phát triển hoàn thiện hệ thống các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm cho KH. Cung ứng dịch vụ Ngân hàng số - ứng dụng ngân hàng di động cho phép người dùng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi, dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính đa dạng như Chuyển tiền nhanh 24/7, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR Pay, mua sắm trực tuyến, mở tài khoản thanh toán online...
Chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm công tác đào đạo, nhất là đào tạo nhân lực về công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng.
Ngân hàng đưa ra các chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng thanh toán như: áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ đối với toàn bộ các dịch vụ về tài khoản và thẻ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM... cho cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Như vậy, có thể khẳng định, xu thế chuyển đổi số trong CMCN 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành Ngân hàng tại Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ giúp các ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa vào các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh trên nền tảng số; qua đó, giúp khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu để các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững.
Nguyễn Xuân Hòa

Tin cùng chuyên mục