Thứ tư, 24/04/2024 | 12:38

Thứ tư, 24/04/2024 | 12:38

30 năm thành lập CĐNHVN

Cập nhật lúc 14:16 ngày 29/03/2023

Những kỷ niệm với Công đoàn Vietcombank Nam Sài Gòn

Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cấp phổ thông, tôi thiên về các môn học tự nhiên, không giỏi về viết văn hay làm thơ. Nhưng hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 30 năm công đoàn Ngân hàng Việt Nam, tôi muốn viết lên những cảm nhận của mình thông qua những câu chuyện mà tôi từng chứng kiến trong suốt 20 năm được công tác tại Vietcombank Nam Sài Gòn.
Nhớ lại, ngày đầu tiên đi làm, mọi thứ điều bỡ ngỡ đối với tôi. Cùng trúng tuyển lượt với tôi còn có hai người bạn nữa, cũng là sinh viên mới ra trường. Chúng tôi gồm hai nam và một nữ mới tốt nghiệp đã được nhận vào làm tại việc tại một ngân hàng lớn, quả là một điều tưởng như nằm mơ. Vì thời kỳ này là một thời kỳ đầy khó khăn vào những năm 1998-1999. Chúng tôi chỉ biết ngày cơm ba bữa, sáng đi làm, làm tròn công việc và hết giờ thì về lại gia đình mà ít tham gia một số loại hình sinh hoạt phong trào của lứa tuổi thanh niên. Mặc dù các phong trào ấy luôn có Đoàn thanh niên phát động thông qua việc gây quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, thể thao, văn nghệ cơ quan... Công đoàn cơ sở đã thành lập từ lâu, chúng tôi cũng có viết đơn xin gia nhập công đoàn tại cơ sở nhưng chúng tôi cũng chẳng mấy ai quan tâm vì chẳng có gì đòi hỏi quyền lợi cả và càng chẳng có gì để bức xúc đối với những người mới như bọn tôi để nhờ đến Công đoàn giải quyết. Xung quanh chúng tôi đó chỉ là các cô chú, anh chị và bạn bè đồng trang lứa cùng quyền lợi và cùng trách nhiệm thậm chí cùng “cộng đồng tài sản” như sử dụng chung máy tính, máy in, văn phòng phẩm mà hàng tháng vẫn được phòng hành chánh nhân sự cấp.
Công đoàn VCB Nam Sài Gòn tổ chức hội thao văn nghệ
Cuộc sống cứ trôi, tổ chức Công đoàn cũng ngày ngày lớn dần với ngày càng nhiều thêm công đoàn viên người lao động mới tham gia và cũng từ đó các vấn đề liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của từng thành viên đã bắt đầu nảy sinh. Có công đoàn viên vì bệnh tật mà vĩnh viễn ra đi, có công đoàn viên trục trặc trong đời sống gia đình và cũng có công đoàn viên có những tranh chấp về quyền lợi... Nhưng mọi thứ điều được Ban lãnh đạo và Công đoàn cơ sở dàn xếp ổn thoả có tình có lý. Chúng tôi càng cảm nhận được ý nghĩa của tổ chức Công đoàn hơn khi chứng kiến tổ chức đã thu xếp chuyện cơ quan đến những chuyện ‘’Ma chay hiếu hỉ’’ khi công đoàn viên nào có người thân mất mà gia đình đơn chiếc là có Công đoàn cơ quan đứng ra giúp đỡ. Khi tôi cưới vợ, các anh chị đồng nghiệp luôn giúp đỡ hỗ trợ tôi trong công việc, đặc biệt Công đoàn cơ sở đã giúp đỡ nhiệt tình như tặng quà, đề xuất phòng hành chánh nhân sự của cơ quan cho mượn xe cơ quan để hỗ trợ đón dâu, điều động các công đoàn viên khác đến nhà phụ giúp… và đã hơn hai mươi năm trôi qua tôi vẫn không bao giờ quên sự lo toan ấy và nó sẽ là một phần kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời tôi.
Từ ấy trong lòng tôi như đã hiểu rõ thêm về tổ chức công đoàn, cảm nhận được đây là một chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống, cho niềm tin vào tổ chức, vào xã hội. Chủ tịch công đoàn đều được tất cả anh em trong cơ quan ủng hộ. Đến giờ, chủ tịch công đoàn của chúng tôi là một người phụ nữ trung niên nhưng năng động chị ấy vừa ‘’có tâm vừa có tầm’’ nên càng được các anh em trong cơ quan yêu quý hơn. Đối với tôi, hình như các anh chị trong Ban chấp hành công đoàn đều có chung một đặc điểm đó là phong cách tốt, giản dị, vui vẻ khi giao tiếp. Tôi vẫn nhớ khi cơ quan tổ chức các lễ hội, hay sinh hoạt tập thể, cách thức anh chị tổ chức rất thân mật, ấm áp, ai phụ được thì phụ không phân biệt phải đúng nhiệm vụ mới làm.
Hằng năm Công đoàn tổ chức cho đoàn viên, người lao động nghỉ mát theo chế độ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 vì đại dịch COVID-19 xảy ra, Công đoàn đã quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của người lao động, gia đình, con cái của anh chị em đoàn viên thông qua việc tặng quà thiết yếu là các nhu yếu phẩm cần thiết cho đoàn viên, người lao động.
Ngoài ra, Những buổi tất niên cuối năm, sinh nhật các công đoàn viên, ngày 8-3 đều được Ban lãnh đạo và Công đoàn tổ chức thật vui, tràn đầy ý nghĩa.
Chương trình hiến máu nhân đạo “Trao giọt hồng, trao yêu thương”
Đối với cộng đồng, Công đoàn Vietcombank Nam Sài Gòn cũng đã đóng góp rất nhiều công việc có ý nghĩa vô cùng thiết thực như xây dựng các ngôi nhà tình nghĩa, đóng góp vào quỹ vì người nghèo, xây cầu, phát quà cho các em nghèo hiếu học, cứu trợ đồng bào lũ lụt, tham gia chương trình hiến máu nhân đạo “Trao giọt hồng, trao yêu thương”… Phải chăng giá trị hai chữ ‘’Công đoàn’’ nằm ở phong cách và ở những đều giản dị ấy!
Hiện tại trong phòng, Tôi xem Bạn tổ trưởng công đoàn của phòng như người nhà có đều gì khó khăn trong cuộc sống, trong công việc tôi điều giải bày và bạn ấy thường vẫn chia sẻ và cho tôi những lời khuyên. Tôi dường như không nghĩ đến là sự giãi bày đến một cá nhân mà suy nghĩ đó là sự giãi bày cho ‘’Công đoàn’’ mà chính cá nhân bạn ấy chỉ là đại diện. Những lúc ấy tôi cảm thấy vị trí của người làm công tác Công đoàn thật là quan trọng.
Từ những vụn vặt trong cuộc sống, tôi nghĩ phải chăng “Công đoàn” thật ra chính là một người bạn. Một người bạn không ve vuốt, không hùa theo mình, một người bạn biết cùng mình sẻ chia những khó khăn, và cũng biết can ngăn kịp thời những gì mình sai trái. Tôi nghĩ rằng hiểu về tổ chức Công đoàn như tôi xem ra có vẻ cảm tính, nhưng biết sao hơn, cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là những mảng rời của cảm tính, những cảm xúc thật đời thường.
Tác giả: Vũ Nguyễn Linh
Chuyên viên Quản lý nợ - Vietcombank Nam Sài Gòn
​***
Bài viết nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (1/4/1993 - 1/4/2023)
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 1
  • 4
  • 5
  • 8
  • 1
  • 8
lên đầu trang