Thứ tư, 08/05/2024 | 09:46

Thứ tư, 08/05/2024 | 09:46

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 15:39 ngày 12/09/2023

Đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đồng thời đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TƯ.
Trước đó, trong tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn và cũng chưa có được những đánh giá toàn diện về tình hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, đặc biệt là triển vọng 2024, trên cơ sở phân tích toàn diện và chia sẻ lẫn nhau, Hội đồng thống nhất sẽ họp lại vào khoảng tháng 11.2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế để từ đó đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.
Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động là đối tượng dễ bị tổn thương và hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Việc tăng lương vừa là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng trước hết đảm bảo cho người lao động duy trì mức sống tối thiểu.
Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm cho thấy, hơn 500.000 người bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố tăng lương tối thiểu.
Dự kiến, phiên họp tiếp theo được lùi vào cuối tháng 11 tới để chốt lại phương án và thời điểm tăng lương tối thiểu trong năm 2024.
Trong khi đó, khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của 3.000 người lao động năm 2023 tại 6 tỉnh, chủ yếu ở địa phương áp dụng lương tối thiểu vùng 1 do Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện cho thấy, đời sống của người lao động vẫn rất khó khăn.
Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Theo khảo sát, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.
Thu nhập trung bình của 2.982 người lao động khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng; trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ; 23,3% thu nhập khác khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Hiện tại, lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1.7.2022.
Lương Hạnh (Báo Lao động)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 8
  • 4
  • 8
  • 2
  • 8
  • 3
lên đầu trang