Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:52

Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:52

Sổ tay cán bộ công đoàn

Cập nhật lúc 14:13 ngày 18/11/2016

Chính phủ ban hành quy định về mức lương tối thiểu vùng

Ngày 14/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017. Nghị định quy định  04 nhóm đối tượng trong đó có: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Quy định mức lương tối thiểu được áp dụng cho 04 vùng cơ bản theo Danh mục địa bàn tại Phụ lục đính kèm. Nghị định quy định cụ thể về Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp. Quy định này cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng, bao gồm: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng.

Về nguyên tắc áp dụng, Nghị định quy định: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.

Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định, quy định như sau:

- Mức lương tối thiểu vùng quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

- Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng quy định và các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với người lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động để thoả thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động cho phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý tiền lương giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.  

- Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

BNC

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 3
  • 7
  • 2
  • 2
  • 6
  • 5
lên đầu trang