Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:33

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:33

Sổ tay cán bộ công đoàn

Cập nhật lúc 16:26 ngày 04/05/2017

Một số lưu ý trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội công đoàn

Ngày 03/3/2017, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN đã ban hành văn bản số 254/HD-TLĐ “Hướng dẫn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”. Quá trình tổ chức thực hiện, các cấp công đoàn cần lưu ý một số điểm sau:

* Thứ nhất, về nguyên tắc giải quyết:

- Các đơn khiếu nại, tố cáo gửi tới công đoàn các cấp phải được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định của Tổng Liên đoàn;  

- Đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu dự đại hội công đoàn cấp nào thì ban chấp hành (BCH), ban thường vụ (BTV) công đoàn cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn;

- Chỉ giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội nhận trước 25 ngày (đối với công đoàn cơ sở) và 30 ngày (đối với công đoàn cấp trên cơ sở trở lên) trước khi diễn ra đại hội;

- Không giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo khuyết danh/nặc danh;

- Phải tổ chức/thành lập bộ phận và bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trước và trong quá trình tổ chức đại hội,...

* Thứ hai, về quy trình, thủ tục giải quyết:

- Công đoàn các cấp cần chủ động nắm tình hình tổ chức, cán bộ chủ chốt, cán bộ được quy hoạch tham gia BCH khoá mới và dự kiến là đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên, nhất là ở những nơi có vấn đề phức tạp,…

- Tăng cường làm tốt công tác tiếp đoàn viên, người lao động; tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, đại biểu dự đại hội,… (trường hợp tố cáo chính danh nhưng không có cơ sở, điều kiện để giải quyết thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do để chấm dứt việc tố cáo).

- Lưu ý, những trường hợp sau đây không giải quyết:

+ Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ;

+ Tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới…;

+ Tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh;

+ Đơn tố cáo không phải do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn có từ hai người trở lên cùng ký tên;

+ Đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự (1).

- Quy trình, thủ tục và trách nhiệm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo:

+ Các đơn không liên quan đến tư cách đại biểu dự đại hội được giải quyết và tham gia giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Nghị định của Chính phủ có liên quan và Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của ĐCT Tổng Liên đoàn).

+ Các đơn liên quan đến đại biểu dự đại hội (hoặc người ứng cử, đề cử vào BCH công đoàn khoá mới nhưng không là đại biểu dự đại hội), công đoàn các cấp nhận được trong vòng 25 ngày (đối với cấp cơ sở) và 30 ngày (đối với cấp trên cơ sở trở lên) tính từ ngày nhận được đến trước ngày khai mạc đại hội, theo quy định thì không giải quyết, nhưng phải tổng hợp đầy đủ báo cáo và chuyển hồ sơ cho BCH công đoàn khóa mới xem xét, giải quyết.

+ Các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước và tổ chức khác: BCH, BTV công đoàn cấp triệu tập đại hội chuyển đến cơ quan, tổ chức liên quan đề nghị xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo cho công đoàn đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết.

+ Đại biểu chính thức dự đại hội là cán bộ, đoàn viên thuộc thẩm quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì BCH, BTV công đoàn cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về công đoàn cấp triệu tập đại hội (trường hợp giải quyết chưa xong, vẫn phải báo cáo đầy đủ, nguyên nhân chưa giải quyết để BCH, BTV công đoàn cấp triệu tập đại hội xem xét, quyết định).

- Trách nhiệm của Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp:

+ Trong thời gian 15 ngày làm việc (kể từ ngày bế mại đại hội công đoàn), nếu có đơn khiếu nại, tố cáo về bầu cử, thì UBKT công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh, kiểm tra lại và báo cáo BCH cùng cấp xem xét, quyết định.

+ UBKT công đoàn các cấp có trách nhiệm: Tổng hợp kết quả giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tư cách đại biểu dự đại hội, báo cáo BCH, BTV và cung cấp hồ sơ khi đại hội yêu cầu…

Nguyễn Thái - UBKT

 

(1) Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 19 - Bộ luật Dân sự năm 2015)./.

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 3
  • 8
  • 7
  • 0
  • 1
  • 6
lên đầu trang