Chủ nhật, 05/05/2024 | 00:39

Chủ nhật, 05/05/2024 | 00:39

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 11:34 ngày 23/10/2021

Tăng khả năng tiếp cận vốn, khôi phục sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới

Ngày 22/10/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại điểm cầu Hà Nội có đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, một số TCTD trên địa bàn Hà Nội. Tại điểm cầu Bình Dương có sự tham dự của đồng chí Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương; các Hiệp hội, doanh nghiệp và các TCTD trên địa bàn tỉnh.
Đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp
Đợt bùng phát dịch Covid-19 từ giữa năm 2021 tại nhiều tỉnh, thành phố với những diễn biến phức tạp, lây lan nhanh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch Covid -19, tập trung phần lớn ở các thị xã, thành phố, nơi khu dân cư đông đúc; các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thương mại dịch vụ, địa bàn trọng yếu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy…, từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm với xã hội và nền kinh tế, thời gian qua, NHNN và ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc với hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh thông qua các giải pháp cụ thể như: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; Điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, chủ động điều hòa lượng tiền cung ứng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch;
Ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 theo hướng mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, tái cấp vốn đối với các TCTD để cho vay đối với VNA... Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc, các TCTD vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất - kinh doanh,… phản ánh những cố gắng của toàn ngành Ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Đại diện Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương, các TCTD đã chia sẻ về kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp toàn quốc và trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn phản ánh các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phải đối mặt do ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian qua để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 278 nghìn khách hàng với dư nợ 238 nghìn tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khoảng 531 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800 nghìn khách hàng. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng; Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng. Các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ cụ thể tại Hội nghị, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang cho biết, ngân hàng ưu đãi phí cho các doanh nghiệp và cá nhân từ ngày 11/4 đến nay và có 8 đợt hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% lãi suất, giảm từ 5-10% số tiền lãi phải trả cho từng đợt. Ngoài ra, chi nhánh luôn tích cực chủ động cơ cấu lại nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tư vấn các gói giải pháp đồng bộ, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, mở tài khoản online… Tương tự, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, điều chỉnh hạ lãi suất cho vay 10% trên lãi suất cho vay VND, tương đương 0,2-1%/năm. Tổng số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 15.426 khách hàng, với dư nợ 15.500 tỷ đồng. Hiện Agribank Bình Dương áp dụng gói ưu đãi cho khách hàng...
Quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng
Qua tham luận của các đại biểu tham dự cũng cho thấy sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tại Bình Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó cụ thể để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn cho vay, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi tâm dịch đã qua, vẫn cần tiếp tục những giải pháp quyết liệt hơn nhằm sớm đưa hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Dương phục hồi, phát triển, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị trong Ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đối với các TCTD và chi nhánh các TCTD trên địa bàn tỉnh: Quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 (được sửa đổi bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN), Công văn 3947/NHNN-TD ngày 3/6/2021, Công văn 5901/NHNN-TD và 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong và sau khi dịch kết thúc;
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tại Quyết định 1284/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Các TCTD tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới. Song song với đó, đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 04 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng). Trong đó lưu ý, rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, Phó Thống đốc đề nghị các TCTD kịp thời phản ánh với NHNN, lãnh đạo UBND tỉnh về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương: Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thường xuyên làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định; Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện; Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn để chỉ đạo triển khai kịp thời chính sách cho vay vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kịp thời báo cáo UBND tỉnh và NHNN các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền.
Đối với NHCSXH: Triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống NHCSXH chính sách cho vay vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời Phó Thống đốc cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp các nhiệm vụ giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Đ/c Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cảm ơn Ban Lãnh đạo NHNN đã quan tâm tổ chức Hội nghị ý nghĩa này. Đ/c Võ Văn Minh nhấn mạnh, sự hoạt động hiệu quả của ngành Ngân hàng cũng như của cộng đồng doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có sự hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Đối với những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến ngành Ngân hàng tại Hội nghị, Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Ban Lãnh đạo NHNN tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngàng Ngân hàng phối hợp xử lý; Đồng thời, khẳng định sẵn sàng phối hợp với ngành Ngân hàng trong việc cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hà My. Ảnh: Mạnh Thắng (SBV)


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 7
  • 0
  • 9
  • 8
  • 2
  • 0
lên đầu trang