Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:35

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:35

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 10:20 ngày 14/03/2024

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Đó là ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra sáng ngày 14/3/2024, tại Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang,...
Doanh nghiệp, ngân hàng có đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua 2 tháng đầu năm, cơ bản những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, đồng tiền ổn định, đảm bảo các cân đối lớn... Đây là thành quả rất đáng trân trọng trong bối cảnh thế giới, khu vực gặp khó khăn trong đó có đóng góp của doanh nghiệp, ngân hàng.
Thủ tướng nhấn mạnh, những thành quả này có được là nhờ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp, ngân hàng đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
“NHNN rất cố gắng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả với tình hình; các doanh nghiệp, tổ chức cơ cấu lại hoạt động sao cho phù hợp với tình hình. Các TCTD cũng góp phần chia sẻ với doanh nghiệp để có đồng vốn lưu thông tốt hơn. Đó là những điểm sáng rất đáng trân trọng, biểu dương”, Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn sau đại dịch, hậu quả của đại dịch vẫn còn kéo dài, xung đột chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn còn gặp khó khăn, đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy dù nền kinh tế đang phục hồi nhưng không thể chủ quan. Những gì đạt được mới chỉ là bước đầu, phải làm sao phát huy được thành quả, cùng nhau tháo gỡ đoàn kết vượt qua khó khăn. Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu bị tắc thì nền kinh tế không khoẻ mạnh được. Do vậy, NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ làm sao vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, vừa ổn định hệ thống
Báo cáo tại Hội nghị về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, Chỉ thị 02/CT-NHNN và Chương trình hành động để triển khai các Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024. Trong đó, NHNN điều hành các công cụ CSTT linh hoạt, đảm bảo thanh khoản dồi dào cho hệ thống các TCTD nhằm sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. NHNN vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành; điều hành tỷ giá linh hoạt, hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá; chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu TCTD báo cáo, thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Đến nay đã có nhiều TCTD công bố lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của mình. Hiện, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 0,2%/năm và 0,7%/năm so với cuối năm 2023 cho thấy tốc độ giảm lãi suất cho vay đang nhanh hơn.
Song song với đó NHNN tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; rà soát, sửa đổi các văn bản hiện hành phù hợp với Luật các TCTD năm 2024 như Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16 về việc TCTD mua, bán TPDN; Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…
NHNN đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15% và từ tháng 12/2023, đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Trong tháng 2/2024, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD và ngày 20/2/2024 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó đã xác định công tác tín dụng tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024 và yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Đặc biệt, NHNN rất rốt ráo triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế. Theo đó, ngày 12/3/2024 tổ chức Hội nghị về đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các NHTM tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành hàng nông sản chủ lực lúa gạo, cà phê, thủy sản được tiếp cận vốn. Trong đó đặc biệt là nâng quy mô gói tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
Nguyên do theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 02 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng chậm do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí SXKD cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung nên tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừdo quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả. Một số chương trình, chính sách tín dụng vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai như đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp…
Ngoài nguyên nhân khách quan, tín dụng tăng trưởng chậm một phần do nguyên nhân chủ quan một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được TCTD xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022…
Lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng
Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân;
Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, TSBĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho SXKD, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các Chương trình, gói tín dụng.
Thường xuyên tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp. Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như BĐS, xăng dầu, dự án, công trình giao thông trọng điểm, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn; phối hợp với các cơ quan địa phương, các Hiệp hội, Tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo TCTD chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của TCTD để đồng bộ với các quy định tại Luật các TCTD năm 2024...
Tuy nhiên để đảm bảo các chính sách triển khai hiệu quả, NHNN kiến nghị các các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển đồng bộ các thị trường (BĐS, chứng khoán...), có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với DNNVV. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, tăng cường giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện giải quyết việc làm và hấp thụ các nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn chính sách, tạo hiệu ứng tăng trưởng tín dụng thương mại.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; khẩn trương hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS, các Thông tư hướng dẫn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án BĐS, việc tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh BĐS. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai kết nối Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Các Bộ, UBND các cấp, các sở, ban ngành tăng cường phối hợp, triển khai có hiệu quả giải pháp hỗ trợ các TCTD trong xử lý tài sản bảo đảm là BĐS để thu hồi nợ; hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án trong xử lý nợ xấu theo tinh thần trước đây đã được Nghị quyết 42 của Quốc hội cho làm thí điểm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các chương trình phát triển nông nghiệp như: Chương trình 1 triệu ha lúa; phát triển sản xuất chế biến công nghiệp tại Tây Nguyên; ứng dụng công nghệ cao và tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị tại các địa phương..., vấn đề quy hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản thông qua xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Về phía các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án SXKD khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.
Nhóm phóng viên TBNH

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 3
  • 5
  • 8
  • 2
  • 1
  • 9
lên đầu trang