Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:17

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:17

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 16:44 ngày 10/01/2020

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 5, khóa XII

Ngày 10.1, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5 (khóa XII). Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các Ban xây dựng Đảng Trung ương dự hội nghị. Các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; các Phó Chủ tịch: Ngọ Duy Hiểu, Trần Văn Thuật điều hành hội nghị.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Sơn Tùng
Xác định 7 lĩnh vực tập trung cho CĐCS
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đề nghị, trên cơ sở tình hình thực tế ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương và nơi công tác, các đại biểu thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn (CĐ) năm 2019. Theo đó, chỉ rõ những thành tích, kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và đi sâu phân tích rõ các nguyên nhân, chú ý đối chiếu với những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2019 cũng như Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam và các Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN. Chỉ rõ những chủ trương, nghị quyết nào được quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực. Những chủ trương, nghị quyết nào còn chậm hoặc chưa vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm các hoạt động, lĩnh vực cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện gắn với chủ đề công tác năm, đặc biệt là các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện năm 2020 và các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác CĐ trong năm 2020 - năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước.
Để thực hiện tốt chủ đề năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”, Tổng LĐLĐVN đã xác định 7 lĩnh vực tập trung chủ yếu: Tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ. Tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Tổ chức các hoạt động ở cơ sở thật sự xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) theo hướng tăng quyền thụ hưởng, tính thiết thực, sát hợp. Phát huy vai trò của đoàn viên CĐ trong đề xuất nội dung, thực hiện nhiệm vụ và giám sát đối với hoạt động CĐCS và Ban Chấp hành CĐCS. Đổi mới công tác cán bộ CĐCS, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho chủ tịch CĐCS và tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên với cán bộ CĐ. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhất là trong công tác tài chính.
CĐCS phải thực hiện tốt chức năng đại diện
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất, đồng tình với chủ đề hoạt động của năm 2020 là nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lại Hoàng Dũng - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Electronics Samsung VN-SEV - chia sẻ, từ trước đến nay, CĐCS công ty luôn đẩy mạnh các hoạt động xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ. Theo đồng chí Lại Hoàng Dũng, để làm tốt hơn công tác này, cần phải đa dạng hóa các kênh giao tiếp, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; từ đó có thể có những ý tưởng cải tiến hợp lý cho đoàn viên, NLĐ.
Đồng chí Lại Hoàng Dũng cho biết cụ thể hơn từ kinh nghiệm của bản thân: Cần linh hoạt hóa các phương thức giao tiếp giữa CĐCS và đoàn viên, NLĐ (qua điện thoại, mạng xã hội, Youtube...). Bên cạnh đó, không chỉ ngoài giờ, mà trong giờ giải lao, cán bộ CĐCS có thể tranh thủ tiếp xúc với CN, lắng nghe kịp thời nguyện vọng của họ. Như vậy sẽ có được sự tương tác hai chiều, từ đó CĐ kịp thời nắm bắt nguyện vọng và đưa ra các giải pháp hài hòa giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
“CĐCS công ty quan tâm rất nhiều lĩnh vực, nhu cầu của đoàn viên NLĐ, nhưng cũng rất chú trọng những việc làm cụ thể đối với NLĐ trong nhà máy, như: Bữa ăn ca, chỗ nghỉ ngơi cho NLĐ, khu vực ký túc xá, nơi nghỉ ngơi; nơi vệ sinh... làm sao NLĐ có điều kiện thoải mái nhất để yên tâm lao động, sản xuất” - đồng chí Lại Hoàng Dũng nói.
Còn theo đồng chí Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam, từ trước đến nay, hoạt động của CĐ trong các KCN tỉnh Hà Nam vẫn luôn chú trọng đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ tại cơ sở. 
Đồng chí Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - đánh giá, CĐCS chính là cấp thực hiện các nghị quyết của CĐ; đồng thời là cấp trực tiếp tiếp xúc đối với đoàn viên và NLĐ. Vì vậy, việc thực hiện nghị quyết có thành công hay không chủ yếu là do cấp cơ sở quyết định. “Để triển khai chủ đề năm 2020, ngay từ đầu năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã tập trung phân loại lại các CĐCS. Nơi nào kém hiệu quả, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ một cách cao nhất. Mục đích cao nhất là CĐ phải thực hiện được tốt chức năng nhiệm vụ của mình, làm sao thể hiện được người đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ”- đồng chí Trương Văn Hiền cho hay.
Đồng chí Trương Văn Hiền nói thêm, với đặc thù doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước có mối quan hệ tương đối phức tạp, NLĐ tương đối yếu thế nên LĐLĐ tỉnh đặc biệt chú trọng đến khu vực này. “Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, tư vấn để NLĐ hiểu rõ pháp luật, chế độ chính sách, từ đó tự thân họ chấp hành pháp luật cho tốt, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức CĐ giám sát việc thực hiện chế độ chính sách của các DN”- đồng chí Trương Văn Hiền nói.
Đại diện LĐLĐ TP.Hải Phòng lại nhấn mạnh về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, cần tăng cường các hình thức thực hiện dân chủ khác như hộp thư góp ý, hộp thư điện tử; tập trung nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc. Mặt khác, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần tăng cường tư vấn, hỗ trợ CĐCS trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của NLĐ.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động công đoàn năm 2019, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN- cho biết, trong năm 2019, có 2.974 bản TƯLĐTT được ký mới, đạt 141,7% chỉ tiêu năm, tăng gấp 3 lần so với số thỏa ước ký mới trong cả năm 2018, nâng tổng số TƯLĐTT đã được ký kết lên 31.850 bản.
Chất lượng TƯLĐTT tiếp tục được nâng lên, đã chú trọng thương lượng và đưa vào ký kết những nội dung có lợi, cao hơn quy định của pháp luật đối với NLĐ. Việc CĐ cấp trên trực tiếp đại diện ký kết TƯLĐTT tại DN chưa thành lập tổ chức CĐ; thí điểm thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm DN đạt kết quả tích cực với 3 bản thỏa ước được ký lại, sửa đổi, bổ sung. Đã có 2.946 CĐCS trong DN đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15.000 đồng, đạt 162,1% chỉ tiêu năm 2019 với 649.600 NLĐ được hưởng lợi. B.H
Tất Thảo (Laodong.vn)


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 3
  • 2
  • 3
  • 8
  • 2
  • 1
lên đầu trang