Thứ năm, 02/05/2024 | 16:20

Thứ năm, 02/05/2024 | 16:20

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 14:39 ngày 20/09/2021

Những năm tháng ở Mộc Châu

Mùa xuân năm 1962 tôi được Ngân hàng Quốc gia Việt Nam điều động tăng cường cho Ngân hàng Khu tự trị Thái Mèo. Đoàn chúng tôi có khoảng 30 người, toàn những thanh niên nam nữ từ Ngân hàng thành phố Nam Định, hăm hở lên miền Tây của Tổ quốc. Đoàn do ông Nguyễn Đức Hạnh làm trưởng đoàn và ông Phạm Khuông làm phó đoàn. Ông Phạm Khuông đi chuyến xe sau bởi còn một số người chưa làm xong thủ tục…Tuy mang danh là đoàn Chi nhánh Ngân hàng Nam Định nhưng chủ yếu là thanh niên Hà Tĩnh, Nghệ An  được  Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tuyển dụng bổ sung cho Nam Định từ những năm 1960, 1961.
Trên chiếc xe tải không ghế, gần hai chục con người vật lộn đi qua phà Chợ Bờ rồi phà Suối Rút, Km22 và từ đấy ngược trời cao thăm thẳm, bên rừng, bên suối đường dốc quanh co, thỉnh thoảng mới thấy một bản nhà sàn…Và cứ thế ngày đi đêm nghỉ. Sau 3 ngày đến thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo ở châu Thuận Châu. Đến nơi, chúng tôi được gặp đoàn Chi nhánh Ngân hàng Hải Dương do ông Bùi Đình Tứ làm trưởng đoàn đang chờ. Phải nói rằng tuy đi đường quanh co, gập ghềnh xốc nẫy người, thế nhưng ngồi trên xe anh em chúng tôi vẫn đàn vẫn hát, hễ dừng xe thấy cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ thế là cứ từng tốp, từng tốp rủ nhau đi xem quên hết cả mệt nhọc. Chỉ có đoàn trưởng say xe, lại luống tuổi nên ông tranh thủ nghỉ ngơi, lấy sức để ngày mai đi tiếp. Thực ra đoàn trưởng là người trải qua cuộc chiến đấu chống Pháp vùng địch hậu ở đồng bằng, còn lên Tây Bắc đây là lần đầu, nên ông rất mệt. Nhưng với vai trò người đảng viên, lại đoàn trưởng nên gắng chịu đựng…
Sau một ngày nghỉ ngơi, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Xuyến quê ở Nghệ An, Trưởng Chi Nhánh Ngân hàng khu tự trị Thái Mèo cho học về chính sách dân tộc, phong tục tập quán, một số điều sơ đẳng trong giao tiếp… Hết thời gian học tập chúng tôi được phân công về các Chi điếm. Đây là cuộc chia tay cảm động nhất của những người miền xuôi lên miền núi như chúng tôi. Và tôi cùng anh Hà Năng Tình, đoàn Hải Dương được phân công về Chi Điếm Ngân hàng châu Mộc Châu, nay là huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Chi điếm Ngân hàng châu Mộc Châu tọa lạc tạm thời trên một ngã tư đường phố rất đẹp. Đó là đường giao cắt giữa quốc lộ 6 và đường từ khu việt kiều đi vào Pa Háng, đây là khu trung tâm thị trấn của châu Mộc Châu có nhiều cơ quan đơn vị. Tại ngã tư này khu vực Ngân hàng có hai mặt đường, một bên đường 6, một bên đường lên khu dân cư việt kiều, đối trước mặt góc phố bên kia có Mậu dịch Quốc doanh và khu làm việc của phòng thương nghiệp; bên kia đường là cửa hàng sách và đi vào khu dân cư thị trấn; còn một phía là trường học của con em các dân tộc Mộc Châu nội trú. Khu ở và làm việc của Ngân hàng chung bờ rào với Công an huyện Mộc Châu, chung đường ra giếng nước, ra suối, ra vườn rau… tóm lại vị trí ở rất an toàn và đắc địa.
Nhà ở, làm việc của Ngân hàng không biết làm từ năm nào chỉ cột gỗ, thưng phên, lợp lá nhưng vững chắc toàn loại gỗ đóng đinh vào đinh quăn lại, xung quanh có bờ rào bằng tre. Khu nhà có ba căn, một nhà làm việc phía trước, hai nhà phía sau, một nhà ở có phòng làm việc của Trưởng Chi điếm, ngăn đôi một nửa làm việc còn một nửa ngủ, phía ngoài là một dãy dài lắp hai lớp giường ngủ cho cán bộ nam; còn một nhà là bếp, có hai phòng cho gia đình và bếp ăn tập thể.
Ngày ấy Chi điếm Ngân hàng Châu Mộc Châu có khoảng 30 cán bộ. So ra đây là một Chi điếm ở miền núi có nhiều người. Bởi một chi điếm đồng bằng như Ngân hàng Nam Trực, Nam Định nơi tôi đã làm việc cũng chỉ có 25 người. Đặc biệt có 7 cán bộ người dân tộc địa phương, số còn lại là những thanh niên ở các tỉnh miền xuôi được điều động như tôi, anh Tình hoặc tốt nghiệp các trường Cự Đà, Bắc Ninh được Ngân hàng Trung ương phân bổ về. Lớp nhân viên chúng tôi lúc ấy chưa có ai đại học, chỉ là lớp Cự Đà 6 tháng đầu tiên ra trường được cấp bằng trung cấp nhưng ở trường khác chỉ được cấp giấy chúng nhận sơ cấp mặc dầu chương trình học đều do Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng hoặc các vụ trưởng, vụ phó của Ngân hàng Trung ương dạy như nhau… Những nhân viên chúng tôi phần lớn ngoài 25 tuổi nhưng tuổi khai thì hầu như ít hơn, trình độ văn hóa đa số là lớp 7, ít có người lớp 9. Một số đã có vợ ở dưới xuôi như anh Đồng, anh Trực, anh Lãng, anh Hòa, anh Hiển, Lê Lương Nhị… Chúng tôi sống rất hòa thuận, không phân biệt tuổi tác vì thực ra cùng một lứa vào trường như nhau gọi là lớp 59-60, chỉ khác trường hoặc khác lớp. Còn các bạn người địa phương cũng đã qua lớp đào tạo do Trung ương mở riêng nên đều thông thạo tiếng phổ thông vui đùa cùng nhau.
Ngân hàng Mộc Châu lúc tôi về (tháng 4/1962) có bác Trầu người Thanh Hóa làm Trưởng Chi điếm, bác Lương Khư quê Nghĩa Bình, nay là Quảng Ngãi làm phó Chi điếm phụ trách kho quỹ, anh Trần Xuân Long quê ở Hà Tĩnh làm kế toán trưởng. Ngoài khu vực tại huyện lỵ còn có hai cơ sở đó là: Nông trường Mộc Châu chuyên về công tác huy động tiết kiệm do anh Nguyễn Hữu Hòa người Nghệ An phụ trách và KM 64 biên chế ba, bốn người, lúc đầu do bác Nguyễn Hữu Vóc quê Thanh Hóa, bộ đội chuyển ngành phụ trách, sau bác Vóc lên trên trung tâm anh Nguyễn Minh Trực quê Thái Bình phụ trách… Tôi được bác Trầu phân công phụ trách Quỹ tiết kiệm trung tâm làm công tác thanh toán các bàn. Thời đó công tác Quỹ tiết kiệm rất phức tạp, mỗi một huyện có một quỹ tiết kiệm trung tâm làm thanh toán cho các bàn hay nói cách khác là dựa vào giấy gửi, rút tiền tiết kiệm để ghi vào thẻ lưu thứ hai. Giữa thẻ lưu của bàn giao dịch phải khớp đúng với thẻ lưu trung tâm. Trung tâm là nơi kiểm soát mọi hoạt động về phương diện pháp lý cũng như số học. Sổ tiết kiệm của khách, thẻ lưu của bàn phải khớp đúng với thẻ lưu trung tâm. Với cách kiểm soát bộ 3 như thế này công tác tiết kiệm không thể tham ô, không vi phạm chế độ, giữ an toàn cho người gửi tiên tiết kiệm và đảm bảo an toàn theo chế độ.
Tại Chi điếm có các tổ như kế toán kho quỹ; tín dụng (bao gồm cả tín dụng công thương, nông trường, tín dụng nông thôn); kế hoạch nghiệp vụ… Hồi ấy công tác tiền mặt được kiểm soát chặt chẽ, việc mua bán hàng hoá giữa các đơn vị theo Nghị định 15 CP của Chính phủ chỉ từ 15 đồng trở xuống, trên 15 đồng phải thanh toán chuyển khoản bằng séc vì thế hàng tháng kế toán các đơn vị phải cùng Ngân hàng tính toán số tiền mặt chi tiêu để lĩnh. Đây là công tác phức tạp, đơn vị muốn tìm cách lĩnh tiền mặt, Ngân hàng tìm cách bớt lượng tiền mặt vì lượng tiền mặt thu tại Ngân hàng huyện không đủ để chi cho các đơn vị. Riêng tiền tiết kiệm chuyển khoản ra tiền mặt nên có cái tết người cần lĩnh tiền tiết kiệm như biểu tình trước cửa ngân hàng. Giá cả sinh hoạt thời ấy chỉ là hào, xu. Lương sơ cấp 36 đồng/tháng, lương trung cấp 45 đồng/tháng, chuyên viên I là 50 đồng/tháng, bát phở 3 hào, cắt tóc 3 hào, cơm tập thể 3 hào kèm theo 225 gram tem gạo…
Chi điếm Mộc Châu thời ấy thanh niên nhiều nhưng đảng viên ít, sinh hoạt ghép với y tế và thị trấn. Thanh niên cơ quan nhưng hễ có lệnh là hăng hái lên đường tòng quân nhập ngũ. Thời chống Mỹ, chi điếm Ngân hàng Mộc Châu có 4 người nhập ngũ là: Lý Xuân Thưởng (hy sinh), Sa Văn Tan (hy sinh) Phạm Xuân Hiển, Nguyễn Ngọc Quế… Chúng tôi hoạt động rất sôi nổi, không hiểu sao lớp chúng tôi từ nông thôn ra, quần áo chỉ vài bộ nhưng nhìn rất lịch sự, đầu bóng mượt bởi pa dơ lin. Đặc biệt anh Lãng, anh Long có chiếc quần kaki trắng là nếp thẳng tắp trông càng lịch sự, thư sinh. Chi điếm có một tủ sách do anh Lãng phụ trách, anh mua những cuốn sách hay như chiến tranh và hòa bình, những người khốn khổ, thép đã tôi thế đấy… chúng tôi luân phiên nhau đọc rất say sưa.
Cuộc sống tập thể của chúng tôi rất vui, sáng dậy tập thể dục sau đó ra vườn chăm rau, về đi ăn sáng (tùy sở thích), đến giờ vào làm việc, hết giờ ăn cơm trưa, nghỉ ngơi, chiều làm việc, thể thao hoặc tăng gia. Phải tăng gia mới có rau ăn chứ không có chợ để mua bán như bây giờ, bởi kinh tế của dân là tự cung tự cấp. Tôi và Lý Xuân Thưởng hàng ngày cứ 5 giờ dậy chạy từ cơ quan xuống bản Mòn rồi chạy về kịp thời gian tập thể dục với cơ quan. Ngày chủ nhật thường là nghỉ nhưng có ngày phải đi lấy củi cho nhà bếp, tóm lại thời ấy chỉ trừ có gạo, thịt , nước mắm là có nhà nước cung cấp còn lại là tự cung tự cấp. Không làm thì không có dùng vì thế ai cũng tự giác lao động để có cái ăn cái dùng theo chế độ tập thể. Nói đến lao động sản xuất thì không ai bằng bác Khư, cứ hết giờ là bác ra vườn rau trồng cây này, tỉa cây kia, mặc dầu làm cho tập thể nhưng công sức bác bỏ ra rất lớn, nhờ thế vườn rau xanh tốt mùa nào rau ấy không bao giờ thiếu rau ăn. Tôi đưa vợ lên làm công nhân sản xuất ở đội 34 nông trường Mộc Châu, nay là khu du lịch rừng thông bản Áng. Vì thế ngày phải đi bộ hai lần, sáng từ đội 34 đi, chiều lại về, trưa ăn tại cơ quan theo chế độ tem phiếu. Đến năm 1966 vợ tôi được tuyển vào công tác Ngân hàng tôi mới đỡ vất vả về đi lại nhưng lại dính vào cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
… Nhà làm việc ở đồi ủy ban đã xây xong, chúng tôi được chuyển lên khu nhà mới xây để làm việc, lúc nay ông  Nguyễn Văn Bả đã về thay ông Lê Hữu Trầu. Trụ sở mới trước mặt là đường 6 trên đường là trụ sở UBND, huyện ủy. Từ nhà tranh vách nứa nay lên nơi làm việc khang trang, nhưng phải lao động dọn dẹp ngày đêm vô cùng vất vả. Nhờ phía sau là suối nên có nước để lau chùi nhà cửa, tắm táp, suối lại có mấy thanh gỗ để sang khu nhà dân  thật vô cùng tiện lợi. Nhà xây có đủ các phòng làm việc khang trang, kho tàng được vững chắc nhưng chưa có nhà xây để ở nên phân công nhau trực bảo vệ hàng ngày, hàng đêm còn ăn ở vẫn ở khu vực cũ là chính… Lúc này có thêm Hoàng Ngọc Thát quê Nghệ An từ trường trung cấp bổ sung lên, Vũ Khôi quê ở Hà Nam lớp ngoại ngữ, Lường Thị Thúy Nga tốt nghiệp đại học tài chính kế toán. Phải nói rằng Lường Thị Thúy Nga là nữ dân tộc quê ở Song Khủa, Mộc Châu  đầu tiên của Sơn La có bằng đại học chính quy - hạt giống quý của Sơn La. Cán bộ được bổ sung liên tục nhưng cũng di chuyển liên tục, số bổ sung sau này phần lớn từ các trường trung cấp phân bổ về, số rất ít như vợ tôi hoặc một vài người ở khai hoang vào là chưa qua trường lớp phải cho đi đào tạo ở tỉnh
Đang hồ hởi phấn khởi thì chiến tranh phá hoại ập đến, mở đầu là sự kiện vịnh Bắc bộ (ngày 5/8) rồi đến ném bom leo thang của đế quốc Mỹ, thế là ngày vui chưa đầy gang tấc lại bước vào cuộc sơ tán. Lúc đầu sơ tán vào bản Áng, mượn được mấy cái xe trâu chuyển tài sản vào bản Áng, đi qua đội 34, máy bay Mỹ lại ném bom đội 34, sợ ách tắc đường vào bản Áng nên lại chuyển ra bản Búa, nơi đây huyện ủy cũng sơ tan vào đây. Ngân hàng khảo sát được một cái hang để làm kho và làm việc khi địch đánh phá ác liệt còn ăn ở vẫn nhờ nhà dân nhưng ngày không được nấu nướng, 2 cơ sở Nông trường và 64 cũng vào hang trong núi. Qua một thời gian ở bản Búa, Ngân hàng Mộc châu tìm được môt cái hang trong một khu rừng có suối, có đất để trồng rau nên tập trung xây dụng thành nơi sơ tán lý tưởng chỉ tội phải đi trên đá. Tôi cũng tự dựng cho mình một lán nhỏ gần cơ quan có chỗ ngủ cho vợ chồng, các em và các con. Nơi sơ tán này Ngân hàng Mộc Châu ở cho đến khi hiệp định Pari ký kết mới chuyển đi. Hiện nay huyện mở con đường không to lắm đi dưới chân núi sơ tán này.
Với 15 năm công tác vào những ngày đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã để lại cho tôi bao buồn vui, sướng khổ, bao tình cảm thân thương, bao biến cố thăng trầm nhưng cái đọng lại trong tôi là tình cảm con người vô cùng quý giá. Nếu không có sự đùm bọc thương yêu thì làm sao anh Nguyễn Văn Đồng đi học cao cấp nghiệp vụ trong khi lương trung cấp lại nuôi hai đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi, hay làm thế nào để tôi yên tâm phục vụ quân đội trong khi vợ lương sơ cấp nuôi hai đứa con, đứa lớn mới 7 tuổi, hay anh Trần Xuân Long vợ đã yếu lại bụng mang  dạ chửa yên tâm đi học và còn nhiều, nhiều sự kiện khác…
Thời gian và sự kiện những năm tháng ở Mộc Châu cái thời tuổi trẻ của chúng tôi rất nhiều nhưng không thể nhớ hêt chỉ điểm lại một vài sự kiện mong chia sẻ cùng các anh, các chị, các bạn cùng thời...
                                                Tác giả: Nguyễn Ngọc Quế
Nguyên cán bộ Chi điếm Ngân hàng huyện Mộc Châu từ năm 1962- 1977
          
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 6
  • 1
  • 7
  • 5
  • 5
  • 3
lên đầu trang