Thứ hai, 29/04/2024 | 17:10

Thứ hai, 29/04/2024 | 17:10

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 11:21 ngày 21/09/2021

Tưởng nhớ người “Anh Cả” Nguyễn Lương Bằng - Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam

Cách đây 70 năm, ngày 6/5/1951 tại Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, tiếp nối quá trình đấu tranh, xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ. Thời điểm đó, Ngân hàng Quốc gia cần có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, quản lý hoạt động nghiệp vụ tập trung thống nhất, có quan hệ mật thiết với các ngành, trước hết là ngành tài chính và ngành mậu dịch.Tuy vậy, ngay từ ngày mới thành lập, hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong điều kiện toàn dân kháng chiến, mọi nguồn lực tập trung cao độ cho chiến trường. Nền kinh tế non trẻ gặp nhiều khó khăn do cung cầu mất cân đối, ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, giá cả không ổn định, đặt ra nhiều thử thách đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ông Nguyễn Lương Bằng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952)
Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng đã dành nhiều  sức lực và tâm trí vào việc xây dựng nền móng tổ chức vững chắc  hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, như tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống các liên khu, các tỉnh. Ông đặc biệt sát sao việc lựa chọn những cán bộ vững vàng về chính trị, có hiểu biết và khả năng quản lý tài chính, ngân hàng từ cấp trung ương đến địa phương; Tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo về chính sách kinh tế, nghiệp vụ ngân hàng cho cán bộ; Xây dựng hệ thống kho tàng, đảm bảo công tác an toàn kho quỹ; Xây dựng chế độquản lý nghiệp vụ kho quỹ, kế toán thanh toán, tín dụng; Tổ chức triển khai hoạt động đấu tranh tiền tệ trong vùng địch hậu; Xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ … Ông  trực tiếp cùng các chuyên gia Trung Quốc tổ chức, giảng bài cho lớp học đầu tiên về Ngân hàng tại Chiến khu Việt Bắc. Các nội dung học tập gồm có: Kiến lập ngân hàng, đấu tranh tiền tệ với địch, phát hành giấy bạc ngân hàng.
Thấm nhuần chủ trương của Nhà nước Việt Nam mới, Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng nêu cao ý thức về vai trò của đồng tiền vững mạnh và giá trị của lòng tin đối với đồng tiền cách mạng. Ngay từ những ngày đầu tiên mới thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, công tác phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính và đấu tranh tiền tệ với địch đã được triển khai mạnh mẽ để tiền Ngân hàng Quốc gia được lưu hành rộng rãi, ngay cả trong khu căn cứ du kích, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương cải tiến công tác kinh tế tài chính thời chiến của Đảng.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (thứ hai từ phải sang) tại buổi lễ gặp mặt các đại biểu ngành Ngân hàng toàn quốc ngày 8/5/1976
Khi Chính phủ công bố lệnh phát hành tiền mới thu hồi tiền cũ (15/7/1951), công việc thu đổi chính thức được tiến hành rộng rãi trên các địa bàn dân cư. Các loại giấy bạc ngân hàng 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, và 1.000 đ lần lượt được phát hành cùng với các loại 20 đồng và 50 đồng để thu hồi tiền tài chính do Bộ Tài chính phát hành trước đó. Kể từ ngày bắt đầu phát hành giấy bạc ngân hàng (01/6/1951) đến kết thúc cuộc thu đổi, trên thị trường lưu hành song song hai loại tiền là giấy bạc ngân hàng và giấy bạc tài chính theo giá trị 1 đồng ngân hàng bằng 10 đồng tài chính. Chỉ một tháng sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, giấy bạc ngân hàng đã được phát hành và nhanh chóng và được nhân dân hưởng ứng. Giấy bạc ngân hàng theo cán bộ địch hậu đi sâu vào vùng địch tạm chiếm đẩy lùi giấy bạc Đông dương, khẳng định chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngân hàng Quốc gia đã nắm giữ được một khối lượng lớn tiền Đông Dương để đấu tranh kinh tế với địch.
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý phát hành, tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ, dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chú trọng phát triển tín dụng ngân hàng để thúc đẩy tăng gia sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa, nghiên cứu, vận dụng các giải pháp thiết thực cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất, giúp công thương nghiệp mở mang kinh doanh, góp phần giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc.Hội nghị ngân hàng đầu tiên vào tháng 7/1951 xác định: ” Tín dụng giúp nông nghiệp và nghề phụ là chính, đẩy mạnh vận tải lưu thông hàng hóa, tập trung vốn vào trọng điểm, giải quyết vấn đề căn bản của nông thôn …”. Trên cơ sở đó, từ năm 1952, ngân hàng đã hướng mạnh mẽ, từ trực tiếp cho vay nông nghiệp là chính, chuyển sang cho vay thương nghiệp và vận tải để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất. Phương châm công tác tín dụng lúc này là “thông qua mậu dịch để phát triển sản xuất, thông qua quốc doanh để giúp đỡ tư doanh”. Thắng lợi trên mặt trận tiền tệ đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì và phát triển kinh tế thời chiến, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của quân và dân tacuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đoàn cán bộ ngành Ngân hàng dâng hương tưởng niệm Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
Thời gian phụ trách ngành Ngân hàng của Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng không lâu, nhưng Ông đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ cán bộ, công chức ngân hàng. Bộ máy tổ chức ông xắp đặt, nhiệm vụ công tác ông vạch ra, kỷ cương điều hành do ông tạo dựng cùng các mặt hoạt động ngân hàng được tiến hành đều đặn, ngày càng phát triển và đạt kết quả tốt. Sau này, khi đã đảm nhiệm nhiều trọng trách khác của Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Lương Bằng vẫn luôn quan tâm, dành cho ngành Ngân hàng những tình cảm ân cần, sâu sắc. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1951-1976), ông đến thăm và căn dặn: “Nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có hòa bình, độc lập và thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới yêu cầu phải xây dựng một hệ thống ngân hàng xã hội chủ nghĩa lớn mạnh với đội ngũ cán bộ có đủ đạo đức và tài năng để phát huy chức năng phục vụ và giám sát các hoạt động kinh tế, làm cho ngân hàng thực sự trở thành một trung tâm tiền mặt, một trung tâm tín dụng, một trung tâm thanh toán, có tác dụng huy động mọi tiềm năng của các ngành, các đơn vị kinh tế nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý, đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Hồi tưởng về người Lãnh đạo đáng kính của mình, Ông Lê Đức, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã nói: “Nhờ sự dày công xây dựng nền móng vững chắc cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của đồng chí Tổng Giám đốc đầu tiên, trong quá trình hoạt động và trưởng thành, Ngành ta đã tạo lập được một truyền thống tốt đẹp về sự thống nhất chính trị tư tưởng, sự trung thành với đường lối của Đảng và Chính phủ, về ý thức tổ chức kỷ luật, về tinh thần tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân”.
Trong cuốn Thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, chúng ta lại thấy một vẻ đẹp khác trong phẩm chất đạo đức cao quý của người anh Cả ngành Ngân hàng. Ông Nguyễn Hải Như, một trong những cán bộ đầu tiên của ngành Ngân hàng, kể lại: “Đó là một buổi chiều cuối đông rét căm căm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, lúc đó đang phụ trách tài chính của Đảng xuống thăm chúng tôi. Anh kiểm tra kho tàng và dặn dò kỹ lưỡng công tác bảo vệ, bảo quản giấy bạc. Anh nói đại ý, đây là tài sản quốc gia, là xương máu của nhân dân đổ ra mới có được. Sức mạnh của kháng chiến trông chờ một phần vào sức mạnh của nền tài chính. Anh cũng cho chúng tôi biết, chỉ nay mai thôi Chính phủ sẽ thành lập ngành Ngân hàng, bộ phận quản lý kho tiền này sẽ được chuyển sang và chúng tôi sẽ trở thành những cán bộ đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Anh lấy từ trong ba lô một chiếc bọc khá to và nói: Đây là hai cái áo chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến dịch Biên giới. Tôi dành cho các anh coi kho tiền để chống chọi với cái rét của hang đá. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng trao cho anh Cơ một cái, tôi một cái. Đến bây giờ, dù nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn giữ chiếc áo ấy như minh chứng của một thời gian khổ nhưng rất tự hào”. 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiều gian khổ, hy sinh, Ông đã ba lần bị địch bắt và hai lần vượt ngục thành công. Nhiều lần giáp mặt với cái chết, trước sự tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng ông tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng. Nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng, dường như Ông không có tuổi thơ, vừa đi làm vừa học,là người cán bộ có bản lĩnh và giàu trí tuệ Ôngthông thạo hai ngoại ngữ Pháp, Trung, chủ yếu bằng con đường tự học. Ông đã trải qua nhiều trọng trách như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận của Đảng; Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam;Ðại sứ Ðặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô; Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Tổng Thanh tra Nhà nước; Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bất kỳ giai đoạn nào, ở đâu, giữ chức vụ gì, Ông luôn là tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tận tụy, kiên trung, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, người học trò xuất sắc, người cộng sự thân thiết và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở cương vị nào Ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và tác phong cần cù, giản dị. Tâm niệm sống suốt đời của Ông là “làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống” đã được các đồng chí, đồng nghiệp kính trọng, thân mậtgọi Ông là người “Anh Cả”. Ông mất ngày 20/07/1979 tại Hà Nội, hưởng thọ 75 tuổi.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, Ông đãđược Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.Năm 1995, tỉnh ủy tỉnh Hải Hưng đã xây dựng nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại quê hương của Ông, thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương ngày nay.
Đến thăm nhà tưởng niệm, tôi rất ấn tượng với bức đại tự và câu đối được đặt trang trọng trong căn nhà. Dòng chữ:“Kiên cường, bất khuất, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và câu đối “Hồng lộ xuất vĩ nhân, liêm, chính, kiệm, cần, lừng danh Sao Đỏ” - “Thanh Tùng hào kiệt, trí, dũng, kiên, trung nức tiếng sử xanh” đã nói lên tất cả tình cảm trân trọng, tự hào về người con ưu tú, trí dũng song toàn của làng quê Thanh Tùng. Kính trọng tâm hồn, nghị lực và nhân cách của Ông, càng cảm phục và tri ân Ông - người Lãnh đạo đầu tiên, người Anh Cả của Ngành Ngân hàng. Ông xứng danh là người con đất Việt đã sống bằng cả trái tim, cống hiến và yêu đất nước mình bằng cả trái tim tràn đầy nhiệt huyết.
Tác giả: Vũ Thị Mai Hương - Viện Chiến lược ngân hàng
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 4
  • 5
  • 8
  • 6
  • 1
  • 0
lên đầu trang