Thứ năm, 02/05/2024 | 08:03

Thứ năm, 02/05/2024 | 08:03

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 16:07 ngày 20/09/2021

Làm ngân hàng - Hồi đó, bây giờ

Nói về ngân hàng thì tôi đã sống chung nhà với nhân viên ngân hàng từ khi mới ra đời. Ba tôi vào ngành Ngân hàng từ năm 1981 và làm việc tại Agribank đến lúc nghỉ hưu.
Thật ra hồi nhỏ cũng không biết ngân hàng là gì, chỉ biết ông ba mình khi đó sáng đạp xe đạp ra cơ quan rồi chiều đi xe đạp về. Nhiều lúc mẹ không ngủ vì ba đi làm khuya rồi chưa về. Sau này mới biết, thời bao cấp cán bộ ngân hàng đi xuống xã công tác nhưng vì đường xấu khó đi, khi qua đèo thì vác cái xe lên đến đỉnh rồi thả xe xuống, còn người thì đi bộ xuống chỗ cái xe để cưỡi xe tiếp. Vì đường xa khó đi nên xuống tới xã thì tối khuya mới về đến nhà. Sau này nhà có xe máy Honda 67 thì đỡ vất vả hơn. Nhưng những năm 90 khi tin học chưa phát triển thì mỗi kỳ quyết toán là một cuộc chạy đua với thời gian. Nghe mấy chú ở cơ quan kể, đêm 31/12 mấy cô chú tại chi nhánh làm quyết toán, in báo cáo xong là ba và một chú nữa lên xe máy chạy vô Quy Nhơn (tỉnh lỵ) để nộp cho chi nhánh tỉnh, có khi vội quá lỡ quên đóng dấu, vô đến Quy Nhơn mới phát hiện ra thì phải quay ngược về rồi chạy vô lại thì trời vừa sáng. Những đêm 31/12 đi như vậy thường là người ngồi sau kể chuyện để người lái xe không ngủ gật, hoặc người ngồi sau ngủ một chút rồi thay tài, khi cả hai đuối quá thì tấp vô lề đường ngủ một chút rồi lên xe chạy tiếp.
Giờ thì đường sá thảm nhựa hoặc đổ bê tông, đi lại thoải mái. Ngân hàng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, sử dụng hệ thống core banking, mạng wan cho nên ở huyện làm báo cáo xong, nháy mắt là trong chi nhánh tỉnh đã nhận được file báo cáo. Mấy ông chú lớn tuổi ở cơ quan nhìn mấy đứa trẻ làm báo cáo mà nói: “Giờ làm báo báo nói chung cũng nhàn”.
Tuổi thơ tôi gắn bó với ông ba làm ngân hàng là đêm về ba lấy máy đánh chữ ra gõ cộc cộc cộc dưới ánh sáng của cây đèn dầu. Thấy ba gõ máy cộc cộc vui tai nên theo ngồi bên cạnh xem cho vui, mà đâu có dám sờ tay vô, lỡ bị hư một tờ giấy là ba phải gõ lại kèm theo la cho một trận. Nghe nói hồi đó có cái máy mà mấy cô chú gọi là máy cộng, giờ tôi mới biết đó là cái máy tính cơ quay tay, cái máy mà cô Ánh quen gọi máy cộng đến nỗi sau này khi gần về hưu vẫn cứ quen miệng gọi cái máy tính cầm tay là máy cộng. Cái máy đánh chữ thì ở nhà vẫn còn, cái máy tính cơ thì tôi đặt hàng trên ebay mua một cái máy Facit C1-13 của Thụy Điển, tôi cất kỹ hai cái máy đó trong tủ sách như một bảo vật của gia đình để sau này con cháu biết về một thời cha ông đã làm việc tại ngân hàng như thế nào.
Còn bây giờ, đêm khuya tôi cũng đánh máy viết bài, làm hồ sơ vay, nhưng gõ vào laptop nó nhẹ nhàng, thông minh, copy, cut, paste mà không sợ phải bỏ giấy đánh lại như hồi ông ba đánh máy chữ. Các ứng dụng trên máy tính đáp ứng dư các nhu cầu về tính toán, thống kê trong ngân hàng.
Máy tính cơ Facit C1-13
Đó là chuyện khi tôi còn nhỏ thấy về cán bộ ngân hàng, còn chuyện sử dụng dịch vụ ngân hàng thì trong lứa tuổi của tôi khi đó, chắc ít đứa bạn nào biết về dịch vụ ngân hàng khi chỉ mới học lớp 5, lớp 6. Hồi đó tiền lì xì của hai anh em và tiền bỏ trong con heo đất ba tôi nói đưa ba đem ra gửi ngân hàng. Thế là hai anh em đập con heo đất, đếm tiền kỹ lưỡng xong lấy tời giấy trắng gói thật chặt xấp tiền, mà gói một lần đâu có yên tâm, phải gói thêm 1 lớp nữa mới yên tâm đưa cho ba đem ra ngân hàng (cơ quan của ba) để gửi tiết kiệm. Khi ba đem tiền đi rồi, tôi ngồi ở nhà lo nghĩ không biết sau này nhận về lớp giấy gói đó còn nguyên không.
Còn bây giờ, mỗi khi Tết đến là con gái của tôi được mấy cô chú lì xì qua ứng dụng E-mobile Banking, qua Tết tôi cũng gửi tiết kiệm cho con gái, nhưng nó không cần phải gói tiền để đưa cho ba nó mà ba nó đã gửi tiết kiệm trực tiếp qua ứng dụng E-mobile Banking của Agribank.
Năm 2001 tôi vào đại học, những tháng đầu thường nhận tiền ở nhà gửi ra bằng đường bưu điện. Sau đó ba tôi chuyển tiền cho tôi đi nhận tại Ngân hàng nông nghiệp (mà sau này tôi đi làm tại Agribank rồi thì mới biết đó là chuyển tiền điện tử, khi đó ngân hàng vẫn còn dùng chương trình giao dịch trực tiếp bằng foxpro, chưa có IPCAS như bây giờ). Nhận tiền từ ngân hàng về thì mấy đứa bạn và các anh chị cùng dãy trọ ngạc nhiên vì lâu nay chỉ biết nhận tiền bằng đường bưu điện. Sau đó mấy đứa bạn cùng phòng cũng nói người nhà đến ngân hàng Nông nghiệp gửi tiền tháng, học phí như tôi.
Còn thời nay, phụ huynh chuyển tiền đâu có cần ra ngân hàng, ngồi nhà mở app E-mobile Banking của Agribank chuyển khoản cho con, nộp học phí thì mở app ra mà nộp luôn. Phụ huynh bây giờ nói chung cũng nhàn hơn hồi xưa.
Năm 2005 tôi vào làm việc tại Agribank chi nhánh huyện Phù Cát, Bình Định. Khi đó tôi được phân công làm tại Phòng giao dịch Đề Gi, cách Hội sở chi nhánh huyện gần 30km. 30km bây giờ thì lên xe thong thả chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ là tới nơi, nhưng trước năm 2001 thì đối với khách hàng tại Đề Gi là cả một vấn đề. Nghe mấy ông bác khách hàng lớn tuổi kể lại: Hồi đó lên ngân hàng trên huyện vay chỉ vài triệu nhưng thật là gian nan, đường đi lúc đó chưa thảm nhựa, mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì lầy lội khó đi. Làm bộ hồ sơ nhận được tiền vay phải đi lại 2-3 vòng, nhiều người phải tốn tiền thuê xe ôm chở đi.
“Còn bây giờ Phòng giao dịch về tận xã, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ tiện nghi, cán bộ ngân hàng thì thanh lịch, niềm nở. Bây giờ đi vay tiền quá sướng cháu hén, hồi xưa đi lại khổ sở chỉ vay vài triệu đồng, giờ vay mười mấy tỷ mà thấy sao nó khỏe re” Ông bác khách hàng nói vậy.
Nhớ hồi mới đi làm được vài năm, có một buổi chiều tối thằng bạn thân ghé nhà chơi thì cả hai cha con tôi đều chưa đi làm về, nó gọi điện nói: “mầy cưới vợ đi để chiều có người ở nhà ăn cơm với mẹ mầy cho vui chứ tao thấy cô bả ngồi một mình buồn quá”. Rồi thì tôi cũng cưới vợ, một cô gái làm bên BIDV. Và sau đó, chiều lại mẹ cũng ngồi một mình ở nhà chờ chồng và con về ăn cơm. Cũng may là khi đó mẹ tôi thì đã quá hiểu công việc của một nhân viên ngân hàng nên cũng thông cảm cho.
Còn bây giờ, chiều lại cái tin nhắn “cả nhà ăn cơm trước, con về trễ, đừng chờ con” nó như là cái gia vị không thể thiếu trong bữa ăn tối ở nhà tôi.
Những năm 80, cơ quan có hơn 100 người, mỗi người quản lý một vài khách hàng hoặc một Hợp tác xã, đồng nghiệp trong cơ quan có khi một tháng mới gặp mặt một lần. Đầu thập niên 90 cơ quan giảm biên chế còn khoảng 30 người, hiện nay cơ quan có 32 người, mỗi cán bộ tín dụng như tôi có lúc quản lý khoảng 1.000 khách hàng.
Bây giờ tôi đang lo sau này sẽ có một đợt giảm biên chế như thời cha chú trước đây. Điều đó chắc cũng phải xảy ra, vì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 len lỏi từng ngõ ngách của cuộc sống chúng ta, công nghệ thay đổi hàng ngày, và công nghệ ngân hàng chắc chắc sẽ tiên phong trong đổi mới. Khi ngân hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì giảm bớt nhân sự là điều tất yếu. Sự phát triển của xã hội là vậy, cái mới hơn, cái tốt hơn nó sẽ phủ định cái cũ lạc hậu. Điều này cũng là một động lực thúc đẩy mỗi cá nhân trong chúng ta phải rèn luyện, học tập, đầu tư kiến thức mới hàng ngày, để không bị tụt hậu so với thế giới, và quan trọng nhất là không bị giảm biên chế như những đồng nghiệp của ba hồi đầu thập niên 90. Tất cả là phục vụ cho khách hàng tiện lợi hơn, nhanh hơn, tốt hơn. Một ngày không xa, khách hàng sẽ ngồi tại nhà nộp đơn vay online và được cấp tín dụng online rồi chuyển tiền mua sắm hàng hóa ngay tại nhà.
Làm cán bộ ngân hàng thì thời nào cũng có cái khổ, cái sướng. Thời của ba có cái khổ của ba và các cô chú là công nghệ lạc hậu, thời chúng tôi cũng có cái khổ là áp lực công việc cao, nhưng có cái sướng là công nghệ máy móc hiện đại, được đổi mới, phát triển liên tục. Tôi cũng như ba tôi cảm thấy rất may mắn khi được là một nhân viên của Agribank, nơi được được xếp hạng TOP10 VNR500 và giữ vị trí quán quân trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Agribank chính là ngôi nhà thứ hai của tôi, là nơi tôi làm việc, tận tâm cống hiến, mong muốn gắn bó lâu dài, là nơi nuôi dưỡng, giúp đỡ tôi lớn lên từng ngày.
Tác giả: Mai Xuân Thịnh
Agribank chi nhánh huyện Phù Cát, Bình Định
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 5
  • 9
  • 2
  • 3
  • 4
  • 4
lên đầu trang