Thứ năm, 02/05/2024 | 13:21

Thứ năm, 02/05/2024 | 13:21

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 15:23 ngày 15/09/2021

Sơn La - Tây Bắc, ngày trở lại và ký ức về bài hát “Em đi làm tín dụng”

Tôi về lại Tây Bắc thăm quan sau hơn 30 năm, miền đất nơi xưa mình đã từng sống và làm việc.

Từ Hà Nội xe chạy êm êm trên con đường số 6 mới sửa như chạy giữa vùng huyền thoại. Đây rồi, Tây Bắc đổi thay nhiều quá, những cung đường rộng phẳng, xe ô tô chạy với tốc độ cao băng qua những cánh rừng trồng rộng lớn, bạt ngàn đồi cây ăn quả cam, mận và những đồi chè bạt ngàn tươi tốt. Đi qua trung tâm huyện Mộc châu, Huyện Yên Châu, Thành phố Sơn La thấy hai bên đường nhà ở san sát, cửa hàng dịch vụ nhiều vô vàn, thấp thoáng những khách sạn ba sao, bốn sao, những công sở làm việc của các sở ban ngành, các tòa nhà hiện đại tiện nghi của các ngân hàng thương mại. Dập dìu sắc áo hoa, áo chàm khăn piêu trên phố, bên những siêu thị rộng lớn, sôi động tiếng nhạc quảng cáo.

Khi đang mơ màng cảm giác lâng lâng khoan khoái trên đường, tôi nhớ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trên Đài tiếng nói Việt Nam phát lên bài hát “Em đi làm tín dụng” do ca sĩ Thúy Hà thể hiện, nhạc lời bài hát hay, âm điệu khác biệt, lúc đó tôi cũng không biết nghề làm “tín dụng” là làm gì, thế rồi khi tốt nghiệp phổ thông cấp III tôi thi vào Trường Trung cấp Ngân hàng I Trung ương – Bắc Ninh thì bài hát Em đi làm tín dụng trở lên phổ biến, các lần hội diễn văn nghệ tại trường chào mừng các sự kiện như ngày thành lập ngành ngân hàng (ngày 6/5 hàng năm), ngày 20/11 hoặc hội diễn văn nghệ toàn trường thì không thể thiếu được bài hát này, thậm trí lớp học của tôi còn hát tập thể giữa giờ học, hát rất đều và rất hay. Thế rồi như một điều gì đó vận vào mình, ra trường chúng tôi được phân công lên miền núi công tác (Tỉnh Sơn La) nơi ông nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lấy ý tưởng thực tế để viết ra bài hát này. Trước khi đến với Sơn La, tôi chỉ biết Tây Bắc qua thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, qua chuyện Tây Bắc của Tô Hoài, thơ bài Tây tiến của Quang Dũng, qua bài hát “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành… nghĩa là biết về một Tây Bắc thơ mộng nhưng xa lắc xa lơ với chốn rừng thiêng nước độc…
Thời chúng tôi, sinh viên tốt nghiệp ra trường được nhà nước điều động công tác, không phải tự đi xin việc như bây giờ, cũng không phải trải qua thêm một kỳ thi tuyển dụng nữa. Càng không có khái niệm chạy việc. Tuy không được đúng nguyện vọng mong muốn, nhưng nó không quá vất vả để kiếm công ăn việc làm như thời buổi hiện tại. Dường như đó là điều tốt đẹp của thời bao cấp. Chúng tôi là thế hệ cán bộ ngân hàng tiếp bước rất sau của những bậc cha anh đi trước được phân công lên vùng Tây Bắc công tác. Những cán bộ ngân hàng được đào tạo từ các trường TW lên công tác ở Sơn La lúc đó cũng không nhiều, mà phần đông là tuyển người địa phương, con em cán bộ trong ngành ngân hàng, hoặc người ở dưới xuôi nhưng có mối quan hệ xin vào làm, rồi qua quá trình đào tạo ngắn dài hạn, chính lớp cán bộ này sau đó đã trưởng thành và trở thành cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các ngân hàng thương mại.
Ngày ấy, đi từ Bắc Ninh đến Thị xã Sơn La mất đúng 3 ngày (nếu không gặp sạt lở tắc đường). Tôi không thể quên những cung đường gập ghềnh quanh co trơn trượt, những đèo dốc ô tô lên xuống, vực sâu dốc thẳm, khúc cua tay áo. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác háo hức rờn rợn của lần đầu đến với miền Tây Bắc, thời gian đi từ Hà Nội lên Sơn la mất trọn hai ngày.
Lúc ấy, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sơn La đóng ở Đồi Trâu thuộc phường Chiềng Lề, một phường trung tâm của Thành phố Sơn La. Khu nhà này trước đây là khu nhà nghỉ dưỡng của cán bộ nhân viên của tỉnh Sơn La, phía sau là trận địa pháo phòng không của quân đội, nên cảnh quan rất đẹp và yên tĩnh. Toàn bộ các khu nhà của cơ quan ngân hàng tỉnh không có một công trình nào có tường gạch xây, mà là nhà “tooc xi”. Trừ hai bể chứa nước và sân bể là được xây bằng gạch, xi măng vững trãi. Khu làm việc hình chữ U có vườn hoa ở giữa, lối đi đổ đá cấp phối có hàng gạch vỉa hai bên xinh xắn. Phía dưới là khu nhà ở cho cán bộ hộ độc thân, có hàng nhãn xanh tốt, sân đất rộng rãi để làm sân chơi bóng chuyền. Sau khi nộp các giấy tờ thủ tục nhận công tác cho Phòng Tổ chức cán bộ Ngân hàng Tỉnh, chúng tôi được các chú, các bác trong Ban Giám đốc, các cô chú lãnh đạo và cán bộ các phòng ban đến hỏi thăm, chuyện trò động viên. Theo nguyện vọng tôi được phân công công tác tại Ngân hàng Nhà nước Tỉnh. Những tình cảm ân cần ban đầu đó đã khiến chúng tôi yên lòng và để lại những suy nghĩ sâu đậm mãi trong suốt cuộc đời công tác của tôi sau này. Nghĩ lại chỉ có thời đó công tác cán bộ mới được chu đáo như vậy, còn bây giờ tất cả đều đổ cho cơ chế thị trường thì công tác cán bộ có nhiều chuyện đáng nói, đáng bàn…
Tôi là cán bộ Phòng tín dụng nông nhiệp Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, nên tôi có dịp đi công tác đến các nơi trong tỉnh. Thời kỳ này tư duy kinh tế thị trường của các cán bộ ngân hàng đã đi trước các cán bộ ngành khác rất nhiều, song do phương pháp quản lý kinh tế “tập trung, quan liêu, bao cấp” đã kìm hãm các chính sách đòn bẩy kinh tế của ngân hàng. Kiểu làm ăn bao cấp đã bóp nghẹt các đơn vị kinh tế, dẫn đến hạ tầng và năng lực tài chính của các đơn vị kinh tế nghèo, người lao động thì thu nhập không đủ ăn, cán bộ các ngành phục vụ cũng vất vả, khó khăn chịu chung cảnh ngộ. Đi lại trong tỉnh là câu chuyện có nhiều dấu ấn cho từng cán bộ tín dụng khi đi công tác xuống các đơn vị, địa phương. Cán bộ ngân hàng xuống công tác tại các xã, bản để vận động gửi tiền tiết kiệm, đối chiếu công nợ Hợp tác xã tín dụng, thì có nhiều chuyện và nhiều kỷ niệm. Đường từ trụ sở chi nhánh ngân hàng huyện đi đến bản thường đi bộ cả ngày, đến bản thì tình trạng “con dấu đi nương” là phổ biến. Vất vả nhưng nghĩ về điệp khúc bài hát Em đi làm tín dụng vang lên: “Ơ...ớ…ơ này chim hãy hót lên đi cho tiếng lòng ta vui hát với. Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ. Đã giúp ta xây lại cuộc đời”. Và mỗi bước chân băng qua ghềnh đá, lội qua con suối cho dù đau buốt hay lạnh giá, nhưng con tim của cán bộ làm tín dụng vẫn lâng lâng với cảm xúc của chính mình mà bài hát đã gắn bó động viên chúng tôi đi tiếp. Tuy chỉ là trong huyện mà cán bộ ngân hàng thường phải đi công tác bản hàng tuần mới về được cơ quan. Đêm về ngủ ở bản, cán bộ dưới xuôi thao thức nhớ quê, chằn trọc nghe tiếng gà gáy sang canh, chim cu gù bên mái, lợn ủn ỉn dưới gầm sàn, trâu đeo mõ kêu lóc cóc, ngựa gõ móng trong tàu ngựa, vài tiếng chim cú vang lên phía (rừng ma) nghe ghê rợn… tâm trạng hư hư thực thực, nhớ nhớ quên quên - rồi thiếp đi một giấc thanh thản sau một ngày đi đường xa vất vả.
 Thế rồi cơn gió đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Cá nhân tôi tự cảm thấy toàn ngành Ngân hàng cũng chuyển mình mạnh mẽ, từ hoạt động quản lý hành chính trở thành hoạt động kinh doanh dịch vụ, công tác tín dụng từ tham gia vốn theo phần đã chuyển sang tham gia vốn bổ sung rồi thương mại… Năm 1988 theo Nghị định 53 của Hội đồng bộ trưởng, hệ thống ngân hàng chia làm hai cấp, khởi nguồn cho hàng loạt ngân hàng thương mại phát triển to lớn rộng khắp sau này. Giờ đây ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sơn La hết sức hùng hậu, với sự có mặt đầy đủ của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, nhỏ, hoạt động kinh doanh sôi động, phát triển và cạnh tranh quyết liệt. Đồng vốn ngân hàng đã là máu của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của tỉnh, đưa nền sản xuất từ tự cung tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa. Những cán bộ làm công tác ngân hàng trên địa bàn tỉnh hôm nay, được đào tạo bài bản, với chất lượng nhân lực tốt, rồi rào, sung mãn đã tiếp bước thế hệ cán bộ đi trước xây dựng Tây Bắc trở thành hòn ngọc của tổ quốc. Bây giờ “Sơn la - Tây Bắc là của ta” đã đổi thay quá nhiều. Bài hát “Em đi làm tín dụng” cán bộ ngân hàng vẫn hát, phần nhiều gia đình có tới ba thế hệ đã hát bài hát này. Bài hát có tính dự báo cho một tương lai tươi sáng về chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm nâng cao cuộc sống người nghèo và sự phát triển dân sinh xã hội. Chính vì lẽ đó mà bài hát này đã mang tính truyền thống ghi dấu ấn sâu sắc về hình ảnh của những người làm tín dụng trong ngành Ngân hàng. Hình ảnh người đi làm tín dụng cho đến nay vẫn còn hiển hiện trên khắp mọi miền quê thực hiện chính sách xóa nghèo của Chính phủ đã đề ra từ nửa thế kỷ qua. Dường như công việc của những người làm tín dụng chẳng hề khác cái ngày xưa là mấy. Họ vẫn mang những đồng tiền đến những vùng cao xa xôi cùng với những lời ca mà họ mang trong tâm hồn mình đã bao năm qua. Câu chuyện cổ tích ngày xưa chúng tôi ước mơ đã trở thành sự thật với miền đất này. Những làng, bản, khu dân cư của đồng bào Kinh, Thái, Mường, Mán… đông vui và trù mật. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm tương đối đầy đủ hoàn hảo. Các cơ sở kinh tế như các khu nông trường, lâm trường nay đã là các thị xã, thị trấn nhộn nhịp, giầu có. Thành phố Sơn La phố phường ngang dọc, nhộn nhịp đông đúc, hàng hóa dịch vụ đầy đủ chẳng khác gì thủ đô Hà Nội. Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành là dấu ấn to lớn trong câu chuyện cổ tích của Sơn La.
Không thể kể hết những kỷ niệm của gần 10 năm của tôi gắn bó với Tây Bắc (1981 - 1990). Tây Bắc, nơi ấy đã rèn luyện chúng tôi. Quả thật bây giờ gặp lại những người đã lên Tây Bắc công tác cùng thời chúng tôi, nhiều người đã rất trưởng thành, là lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, nhưng nhắc về Tây Bắc là tất cả đều phấn trấn tự hào. Với bản thân tôi, dù đã trải qua nhiều môi trường công tác, dù đã nhiều ngày, tháng, năm đi qua cuộc đời mình, nhưng sâu thẳm trong trái tim mình, Tây Bắc mãi là duyên nợ. Có được như ngày hôm nay, với tôi, cội nguồn là những năm tháng nhọc nhằn Tây Bắc… Giữa lúc ngày xuân đang cạn dần, cảnh cũ người xưa nay đã trở thành chốn thần tiên, có chút gì ngẩn ngơ luyến tiếc. Nhưng thôi tôi xin cứ “để dạ này bao quên”.
Là một cán ngành Ngân hàng Việt Nam có thời gian học tập và công tác liên tục trong ngành hơn 40 năm, tôi và toàn thể mọi người đang làm công tác ngân hàng đang hân hoan chờ đón Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành (06/05/1951 - 06/05/2021). Trong suốt chiều dài 70 năm ấy, đã có bao thế hệ cán bộ ngân hàng góp công, góp sức và góp cả xương máu để có được hệ thống ngân hàng Việt Nam lớn mạnh, hiện đại như ngày hôm nay. Được chứng kiến sự lớn mạnh vượt bậc, sự bứt phá ngoạn mục của ngành Ngân hàng để theo kịp sự đổi mới và làm hậu cần vững chắc cho nền kinh tế, thế hệ chúng tôi bên cạnh việc nhớ lại những thời khắc khó khăn trước đây trong hoạt động ngân hàng, càng vui mừng về sự trưởng thành của Ngành và càng tin tưởng về tương lai tươi sáng của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả: Chu Văn Tuấn - Trụ sở Vietinbank
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 6
  • 0
  • 9
  • 1
  • 8
  • 1
lên đầu trang