Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:30

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:30

Công tác nữ công

Cập nhật lúc 23:05 ngày 09/07/2022

Hội nghị Phụ nữ ngành Ngân hàng năm 2022

Ngày 8/7/2022, tại Đà Nẵng, Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Phụ nữ ngành Ngân hàng năm 2022. 
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành Ngân hàng; đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Bùi Văn Duẩn, Kiểm tra viên chính Vụ Địa bàn 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bà Shalaka Joshi, Trưởng nhóm Giới và phát triển kinh tế bao trùm khu vực Nam Á - Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị
Hội nghị còn có sự tham dự của các đại biểu là Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN; nữ lãnh đạo cấp vụ và tương đương tại các đơn vị thuộc NHNN; Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng Giám đốc, lãnh đạo nữ tại các NHTM Nhà nước; NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; Nhà máy In tiền Quốc gia; VAMC; NAPAS...
Ngân hàng có số lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ cao, hiện nay nữ giới chiếm hơn 58% tổng số lao động trong ngành. Với vị trí quan trọng của lao động nữ, lãnh đạo NHNN luôn dành sự quan tâm đặc biệt để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn và công đoàn của các đơn vị thực hiện tốt công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để cán bộ lao động nữ phát huy năng lực và trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thành tựu của ngành Ngân hàng, với lực lượng lao động chiếm tới hơn 58% là nữ, sự đóng góp của lực lượng cán bộ nữ là đáng kể trên các lĩnh vực, từ hoạch định chính sách, đào tạo, thực hiện nghiệp vụ khác nhau của NHTW, NHTM đến hoạt động xã hội đoàn thể của phụ nữ từ Trung ương đến địa phương. Sự đóng góp đó đã chứng minh vị trí và vai trò của phụ nữ là không thể thiếu trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi các cấp lãnh đạo trong Ngành cần sự quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ, lao động nữ của Ngành.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, thời gian qua, công tác bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu khảo sát trong thời gian qua của Tổ chức Tài chính quốc tế về “Hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng” đạt được trong công tác cán bộ nữ cho thấy sự đóng góp của phụ nữ là rất đáng kể.
Hội nghị lần này là tiền đề, gợi mở ra nhiều giải pháp cho ngành Ngân hàng nhằm thu hẹp khoảng cách giới, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao điều kiện thụ hưởng vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, vì mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030...
Chuyên gia IFC chia sẻ thông tin tại hội nghị
Để đạt mục tiêu về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, ngành Ngân hàng đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đề ra là tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng khi tham gia các lĩnh vực hoạt động cũng như thụ hưởng các chế độ, chính sách, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng và thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp Vụ hoặc tương đương của các đơn vị thuộc NHNN ít nhất 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Đến năm 2025 và các năm tiếp theo đến 2030, 100% cơ quan, đơn vị thuộc NHNN có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, hàng năm trong tổng số người được tuyển dụng mới của ngành Ngân hàng, bảo đảm tỷ lệ nữ chiếm ít nhất 40%. Cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai hàng năm các hoạt động trợ giúp, truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng đa dạng các hình thức, phù hợp với các nhóm đối tượng.
Từ năm 2025 trở đi đạt 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng ban hành các văn bản quy định, chính sách hỗ trợ, bảo vệ cho nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (chống bắt nạt, quấy rối tình dục, chống phân biệt về giới và quy định có liên quan) hoặc lồng ghép các nội dung nói trên trong xây dựng các văn bản chính sách liên quan.
Trong lĩnh vực y tế, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng được khám sức khỏe định kỳ và cán bộ nữ được khám chuyên khoa nữ hàng năm. Hàng năm, 100% các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, từ năm 2022 trở đi, 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về giới và bình đẳng giới; tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt tỷ lệ không dưới 55% trong tổng số thạc sỹ ngành Ngân hàng và tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt tỉ lệ không dưới 35% trong tổng số tiến sỹ ngành Ngân hàng. 100% cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp trong ngành Ngân hàng được trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
100% thành viên các ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình của ngành được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; các cán bộ có liên quan đến công tác bình đẳng giới, công tác nữ tại đơn vị được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về giới, phân tích và lồng ghép giới. Đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo tại các trường đại học của ngành Ngân hàng...
Để đạt mục tiêu, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành Ngân hàng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ngân hàng bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch hoạt động có liên quan của ngành Ngân hàng. Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng.
Cùng đó, chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện thành công các mục tiêu bình đẳng giới của ngành Ngân hàng và của quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, đánh giá cao công tác bình đẳng giới đã được ngành Ngân hàng triển khai và đạt nhiều kết quả tốt. Ngành Ngân hàng đã có báo cáo công phu và có trách nhiệm đối với công tác bình đẳng giới của ngành Ngân hàng. Vấn đề này không phải ngành nào cũng làm được, cần tiếp tục phát huy...
Phó Thống đốc cho hay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tích cực triển khai nhiều hoạt động như: Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp để triển khai các hoạt động phối hợp thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự phát triển, tiến bộ của nữ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức và lao động ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2021-2025.
Hay tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai hoạt động bình đẳng giới, cụ thể là ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổ chức tài chính quốc tế IFC để triển khai dự án “nâng cao năng lực lãnh đạo nữ ngành Ngân hàng”. Theo đó, IFC cam kết hỗ trợ triển khai một số hoạt động, trong đó khảo sát hiện trạng nữ giới ngành Ngân hàng là một trong các kết quả hợp tác giữa hai bên đến nay.
NHNN đang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để xây dựng Chương trình phối hợp. Hai cơ quan mong muốn thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói chung, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành Ngân hàng và tăng cường năng lực của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua Ban vì tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện công tác phụ nữ, bình đẳng giới.
Theo Thống đốc, thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ nữ ngành Ngân hàng, đạt được mục tiêu bình đẳng giới đặt ra trong giai đoạn tiếp theo của ngành, thủ trưởng các đơn vị xác định phát triển đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong triển khai công tác cán bộ. Các đơn vị cần tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Từ đó, lựa chọn, giới thiệu những nữ cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, quy hoạch và bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; tạo điều kiện để cán bộ nữ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành. Kế hoạch hành động của đơn vị là căn cứ quan trọng để đơn vị có thể triển khai và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đối với công tác cán bộ nữ, qua đó, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của ngành Ngân hàng.
Thống đốc cho rằng, trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và hoạt động công đoàn, nữ công; Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và Công đoàn các cấp cần chú trọng hướng đến các giải pháp thực chất, hiệu quả; hạn chế đến mức tối đa hoạt động mang tính hình thức. Tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp để tạo sự thay đổi tích cực cả trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị trong ngành về công tác cán bộ nữ. Như vậy, công tác phối hợp giữa Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục được nâng cao để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cán bộ nữ của ngành được hiệu quả.
Đồng thời, Thống đốc chỉ đạo, tăng cường triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng để nâng cao năng lực cho cán bộ nữ. Đặc biệt, đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo dành cho cán bộ nữ của NHNN diện quy hoạch, có tiềm năng để bồi dưỡng phát triển...
Công Thái - Đức Khanh (TBNH)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 3
  • 2
  • 3
  • 1
  • 4
  • 4
  • 9
lên đầu trang