Thứ hai, 29/04/2024 | 07:50

Thứ hai, 29/04/2024 | 07:50

30 năm thành lập CĐNHVN

Cập nhật lúc 09:19 ngày 21/04/2023

Agribanker - Những chiến sĩ thầm lặng trong mùa dịch

Louis Pasteur từng nói “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”. Thật đúng như vậy, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về những “chiến sĩ” trong lòng tôi, những con người đã làm tôi thêm tự hào về công việc của mình.
Cho đến giờ hay mãi về sau tôi cũng chẳng thể nào quên được, những kỷ niệm cùng các đồng nghiệp Agribank Tuy Phước vượt qua cơn đại dịch COVID. Có nước mắt, có tiếng cười và đặc biệt hơn nó đã cho tôi những ý niệm rất đẹp về ngành ngân hàng mà trước kia mình chưa từng biết đến.
Người ta vẫn thường nói các cô giao dịch viên ngồi trong ngân hàng sướng thật, mặt hoa, da phấn, mưa không tới chân, nắng không tới đầu thế nhưng đâu ai biết rằng đằng sau những gương mặt tươi tắn, những bộ đồng phục chỉnh tề, những lời nói dịu dàng là đôi tay thoăn thoắt gõ máy không ngừng nghỉ, đôi mắt dán chặt vào màn hình vi tính, hay ngay cả uống ngụm nước cũng trở thành xa xỉ trước lớp lớp khách hàng đang ngồi đợi.
Giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Tuy Phước - PGD Gò Bồi năm 2022
Phòng giao dịch Gò Bồi nơi tôi công tác năm 2021 có diện tích khá nhỏ nhưng mật độ dân số khá cao. Công việc cũng khá là nhiều áp lực bởi lượng khách hàng giao dịch đông, hạch toán phải chính xác tuyệt đối trong từng giao dịch, bản thân giao dịch viên chúng tôi luôn cố gắng làm nhanh nhất có thể để giải quyết những nhu cầu của khách hàng cần cũng như không để khách hàng phải chờ đợi quá lâu. Không những vậy, khách hàng của Agribank chi nhánh huyện như nơi tôi có khá nhiều người lớn tuổi, người nông dân, nên khi giao dịch dù áp lực về thời gian nhân viên chúng tôi vẫn phải cố gắng kiên nhẫn để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để khách hàng có thể đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất. Mặc dù công việc khá bộn bề, đôi lúc nhận những lời trách từ các khách hàng khó tính hay cố gắng giải thích lại cho những bác lớn tuổi nhưng khi nhận lại những lời cảm ơn, những nụ cười hài lòng của khách hàng, chúng tôi lại càng yêu công việc của mình hơn. Tất những áp lực trong công việc đó gần như tăng gấp bội lần trong thời gian dịch Covid bùn nổ và lây lan trên diện rộng.
Nhân viên chúng tôi trong thời gian dịch bệnh luôn đeo khẩu trang, kính chắn nên việc giao tiếp với khách hàng lúc ấy khó khăn hơn bình thường, dù là vậy vẫn luôn cố gắng giải quyết khách hàng thật nhanh để tránh tình trạng khách hàng chen chút nhau lây lan mầm bệnh. Người ta vẫn thường hay xót xa những vết hằn trên gương mặt bác sĩ do đeo khẩu trang, kính chắn quá lâu nhưng đâu biết rằng phía sau tấm kính trắng đẹp của ngân hàng các cô cậu nhân viên cũng có những vết thương, cũng đang chiến đấu không ngừng nghỉ với Covid để hỗ trợ hết mình cho người dân.
Tôi vẫn còn nhớ như in lúc ấy, khi vẫn đang say sưa, cặm cụi làm việc thì tôi nghe loa phát thanh địa phương thông báo kể từ 24h ngày 03/08/2021 phong toả toàn bộ khu vực xã Phước Hoà theo chỉ thị 16 do có bệnh nhân dương tính với SARS COVI 2 và là trường hợp phong toả đầu tiên của huyện Tuy Phước tôi. Mọi người lúc bấy giờ ai nấy đều hoang mang, lo lắng thế nhưng vẫn điềm tĩnh trấn an khách hàng “Chúng ta luôn tuân thủ và thực tốt các biện pháp 5K, sẽ không bị lây lan nếu mọi người không nháo nhào, giữ đúng khoảng cách và tiếp tục trật tự để hoàn tất giao dịch”. Và ngay khi kết thúc ngày giao dịch, những nhân viên phòng giao dịch chúng tôi hiểu rằng chúng tôi chuẩn bị đối mặt với một thử thách vô cùng khó khăn, địa phương của chúng ta đang “bị ốm”, chúng ta đang ở tâm dịch và chúng ta không được rời khỏi nơi đây đến khi địa phương ta “khoẻ lại”.  Không biết tại sao hôm ấy tôi thấy trời như buồn hơn…
Chúng tôi ra chốt gần nhất để lấy đồ dùng cá nhân người nhà mang tới. Nhận chiếc balo tại chốt kiểm, tôi thấy được đôi mắt đỏ hoe của mẹ dù cách nhau 2 mét, giọng mẹ run run “ Con nhớ giữ gìn sức khoẻ, mẹ biết con mang trên mình trách nhiệm, con cũng sẽ không bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình. Cả nhà sẽ chờ con trở về mạnh khoẻ…”.
Cầm chiếc balo lên và quay mặt đi, hai dòng nước mắt tôi chảy dài trên gương mặt nhưng đôi chân vẫn mạnh mẽ tiến về phía trước. Chúng tôi là đại diện cho ý niệm của ngân hàng đồng hành cùng y tế, dân phòng và hơn hết là người dân nơi đây cùng vượt qua đại dịch. Chúng tôi đã sẵn sàng..
Bắt đầu giao dịch trong thời gian chỉ thị 16, chúng tôi phải cẩn trọng hơn nữa. Các khách hàng đến giao dịch chỉ trong phạm vi xã Phước Hoà, nếu có khách hàng từ địa phương khác vượt chốt hay đi theo đường tắt đến lập tức báo cáo với chính quyền địa phương. Mỗi khách hàng đến giao dịch đều được đo nhiệt độ kỹ lưỡng, sát khuẩn tay từ cửa vào và chắc chắn không bao giờ thiếu chiếc khẩu trang. Giao dịch viên cũng được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, bao tay khi giao dịch và sau mỗi giao dịch đều sát khuẩn tay kỹ càng. Cuối mỗi ngày giao dịch, cả cơ quan sẽ được phun khử khuẩn toàn bộ.
Các giao dịch trong thời gian này đa phần khách hàng đến rút tiền để mua các nhu yếu phẩm, đăng ký dịch vụ E-mobile banking để có thể thuận tiện mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng,… qua hình thức online, người thân chuyển tiền cho con cháu cũng đang chống chọi với đại dịch tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng,.. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh ông bác đã hơn 70 tuổi, hối hả bước vào cửa, trên tay cầm tờ giấy cũ viết nguệch ngoạc số tài khoản của cháu mình, bác nghẹn ngào bảo “Mấy cô giúp tôi chuyển ba triệu vào cho thằng cháu đang ở Sài Gòn với, trong đó đang dịch căng lắm, thằng cháu ông vừa đi học đi làm, giờ chốt chặt cửa ở trong phòng, không còn đủ tiền để lo cho những ngày tới. Trong nhà chỉ có mỗi ông với cháu, lúc nghe thông báo địa phương có chỉ thị 16 ông lo lắm, không biết ngân hàng có mở cửa không. Không có tiền trong kia cháu ông sẽ ra sao, đạp xe đến, thấy các cháu vẫn còn ngồi đây, ông mừng lắm…”
Không biết tại sao đôi tay của tôi cũng run theo, sống mũi tôi cay… cũng vẫn là nhưng công việc hàng ngày mình vẫn làm nhưng sao lúc này tôi lại yêu quý công việc mình đến vậy. Tại những vùng quê xa xôi, đất cày lên sỏi đá, Agribank vẫn đến để giúp bà con cải thiện cuộc sống, ươm mầm những ước mơ, hoài bão. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là một phần của đại gia đình Agribank, cùng người dân vượt qua đại dịch.
Và sau khi công việc mỗi ngày đã xong xuôi, chị em chúng tôi lại cùng nhau nấu ăn trong khu bếp của cơ quan. Xa nhà cũng nhớ nhà lắm nhưng những lúc thế này tôi lại cảm thấy mình như có thêm một gia đình thứ hai bên cạnh. Mọi người chia sẽ với nhau nhiều hơn về công việc, về cuộc sống gia đình, cứ thế mà chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn, tình đồng nghiệp cũng thêm khắng khít. Và cứ thế một tháng trôi qua, sau nhiều đợt kiểm tra test định kỳ trong hồi hộp, tất cả nhân viên Agribank phòng giao dịch Gò Bồi chúng tôi đều âm tính với COVID, xã Phước Hoà cũng không còn ca dương tính, người dân nơi đây đã đảm bảo đủ sức khoẻ và địa phương chúng tôi được gỡ bỏ phong toả. Mọi người khi nghe tin ai nấy đều mừng rỡ, gọi về nhà, chị đồng nghiệp của tôi đã khóc thút thít khi chuẩn bị được về gặp lại con của mình. Và buổi chiều hôm ấy, tôi lại thấy sáng hơn mọi khi, có lẽ ánh sáng ấy phát ra từ nụ cười, ánh mắt của mỗi người…
Nhân viên Agribank huyện Tuy Phước hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng địa phương
Chúng ta đã vượt qua được đại dịch bằng ý chí, nỗ lực và hơn hết là tình yêu nghề của tất cả mọi người. Agribank huyện Tuy Phước nói riêng và Agribank nói chung vẫn không ngừng thay đổi, ngày càng trưởng thành hơn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Bản thân tôi cũng trưởng thành hơn, nhưng tình yêu của tôi đối với Agribank vẫn vậy, vẫn tăng dần theo năm tháng. Tôi vẫn luôn trân quý công việc của mình vì tôi tin rằng thông qua đó chúng tôi đã cùng nhau tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống./.
                             Hồ Nhật Thảo Vy – Agribank Tuy Phước, Bình Định
***
Tác phẩm kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 4
  • 4
  • 2
  • 2
  • 8
  • 3
lên đầu trang