Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:39

Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:39

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 14:59 ngày 30/06/2021

Công đoàn Vietcombank Đà Nẵng ngày ấy

Trong một lần lục tìm tư liệu cho Phòng Truyền thống của Chi nhánh tôi tình cờ tìm thấy một cuốn tập ố vàng ngoài bìa ghi chữ “Công Đoàn” một cách nắn nót. Lần giở từng trang tôi nhận ra đây là sổ ghi biên bản họp Ban chấp hành Công đoàn Vietcombank Đà Nẵng (BCH CĐ) nhiệm kỳ 1984, cách đây đúng 36 năm. Sự tò mò đã thôi thúc tôi đọc từng trang và hết sức xúc động trước sự năng nổ, sáng tạo của BCH CĐ trong việc tìm mọi giải pháp nâng cao thu nhập của đoàn viên nhằm cải thiện đời sống vô cùng khó khăn của thời kỳ bao cấp. Trong cái khó ló cái khôn, BCH CĐ đã làm được nhiều điều rất đáng để những người làm công tác công đoàn ngày nay học hỏi.
 Bật mí giải pháp cải thiện đời sống
Năm 1984 nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế bao cấp, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu, đời sống của người dân nói chung và cán bộ nhân viên nói riêng hêt sức khó khăn. Với đồng lương trong thời kỳ lạm phát phi mã, cán bộ nhân viên Vietcombank Đà Nẵng từ nhân viên đến giám đốc cũng không tránh khỏi cảnh giật gấu vá vai để có thể trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình. Để có thêm thu nhập, họ phải chấp nhận làm thêm ngoài giờ bất kỳ công việc gì ngay cả những công việc lao động chân tay nặng nhọc mà ngày nay những người lao động bình thường cũng rất ngại làm, đó là bóc vỏ đậu phụng (lạc), lựa chọn và phân loại hạt cà phê, gia công sắt phế liệu, đóng hòm gỗ bao bì xuất khẩu, bốc dỡ phân bón, bột mỳ, đường… ở bến cảng…
Tuy nhiên, có được những công việc vất vả đó không phải dễ dàng. Được Ban lãnh đạo Chi nhánh lúc bấy giờ “bật đèn xanh” và hỗ trợ tích cực, BCH CĐ đã phải chạy đôn cháo đáo, tận dụng mối quan hệ với các công ty khách hàng có nhận việc làm cho đoàn viên như liên hệ với Cảng Đà Nẳng để nhận bốc dỡ hàng hóa vào ban đêm và ngày nghỉ, liên hệ với Công ty Liên hiệp XNK Quảng Nam- Đà Nẵng để nhận bóc vỏ đậu phụng và phân loại hạt cà phê, liên hệ với Công ty bao bì xuất khẩu để nhận gia công hòm gỗ bao bì xuất khẩu, gia công sắt vụn … Rồi khi có thu nhập khá hơn, BCH CĐ huy đồng đoàn viên góp vốn kinh doanh sắt phế liệu với Công ty An Hòa... Sổ ghi biên bản họp BCH CĐ cũng được dùng như cuốn sổ chấm công, phân chia thu nhập từ công việc làm thêm ngoài giờ cho thấy hầu như tất cả đoàn viên kể cả giám đốc đến các trưởng phòng đều làm thêm, ai có sức khỏe thì làm nhiều, người yếu hơn thì nhận làm ít hơn.
Biên bản theo dõi công tác đời sống năm 1984 cho thấy công việc làm thêm ngoài giờ và sự chạy vạy của BCH CĐ đã giúp đoàn viên có thêm một khoản thu nhập khá. Lương cán bộ mới tốt nghiệp đại học tại thời điểm năm 1984 chỉ có 60 đồng/tháng thì trong năm đó mỗi đoàn viên thu nhập từ công việc làm thêm ngoài giờ bình quân gần 7.000 đồng/năm, tức là mỗi tháng gần 600 đồng/người. Đây là mức thu nhập quá cao mà cán bộ ngành khác có thể ghen tị, thậm chí “phê bình”. Có lẽ vì lý do này mà mở đầu Biên bản thảo luận của BCH CĐ ngày 18/8/1984, đồng chí Thư ký Công đoàn lúc bấy giờ (tương đương với Chủ tịch CĐCS) là ông Nguyễn Văn Hải đã thận trọng nhắc nhỡ tất cả các đoàn viên phải bí mật, không nên phổ biến những việc làm cải thiện đời sống của công đoàn cơ quan.
Từ “chạy việc làm” đến “chạy cơm áo”
Bên cạnh giải pháp cải thiện đời sống bằng cách “chạy việc làm” thêm ngoài giờ cho đoàn viên, BCH CĐ cũng rất vất vả trong việc lo cơm áo cho cán bộ đoàn viên từ việc “chạy củi”, “chạy gạo” hàng ngày đến “chạy vải” cho đoàn viên may áo quần ngày Tết. Biên bản họp BCH CĐ ngày 14/12/1984 chỉ có ba dòng, trong đó dòng cuối cùng ghi “Chạy vải cho đoàn viên nhân dịp Tết”. Từ “chạy” đã nói hết sự vất vả nhưng hết sức năng nổ và sáng tạo của BCH CĐ thời kỳ ấy.
Không những chạy việc, chạy cơm áo cho đoàn viên, BCH CĐ còn quan tâm chăm lo đến con em đoàn viên. Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung thu, BCH CĐ tổ chức vui chơi và tuyên dương khen thưởng cho các cháu học giỏ. Trường hợp không có điều kiện tổ chức thì cũng chi tiền để bố mẹ lo cho các cháu. Bàn về Tết Trung thu, biên bản họp BCH CĐ ngày 8/9/1984 ghi “Trung thu không có điều kiện tổ chức vui chơi cho các cháu nên CĐ chi cho mỗi cháu 20 đồng, đồng thời đề nghị trích quỹ phúc lợi chi cho thêm mỗi cháu 30 đồng”. Như vậy, nhân dịp Tết Trung thu mỗi cháu nhận được tổng cộng 50 đồng, bằng một tháng lương của cán bộ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp thời bấy giờ.
Sôi nổi với công tác phong trào
Sổ ghi biên bản họp BCH CĐ phần lớn thể hiện các hoạt động chăm lo, cải thiện đời sống cho đoàn viên, đặc biệt là tạo công việc làm thêm ngoài giờ cho đoàn viên. Tuy nhiên, các biên bản cũng cho thấy Vietcombank Đà Nẵng là một chi nhánh ngân hàng có nhiều hoạt động phong trào tích cực như mỗi đoàn viên mua công trái 500 đồng, ủng hộ đồng bào biên giới phía Bắc 200 đồng, thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đinh... Đặc biệt, tuy đời sống vất vả nhưng phong trào ca hát của Vietcombank Đà Nẵng rất sôi nỗi. Đội văn nghệ Vietcombank Đà Nẵng ngày ấy do ông Nguyễn Văn Khánh phụ trách tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng của Ngành và địa phương đã đạt nhiều giải thưởng cao. Nhiều giọng ca nổi tiếng như Kim Hường với bài “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ca sĩ Du Lam với “Cô du kích Đà Nẵng” làm mưa làm gió tại các hội diễn.
Người cũ nay còn đâu
Trang đầu tiên của sổ ghi biên bản đề ngày 15/2/1984 ghi tiêu đề “Nghị quyết họp Ban chấp hành phân công trách nhiệm nhiệm kỳ 1984”. Theo đó, ông  Nguyễn Văn Hải được bầu làm Thư ký phụ trách chung và công tác tổ chức và tuyên huấn; bà Cao Xuân Lan, Phó thư ký, phụ trách công tác đời sống và nữ công; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ủy viên nữ công và tuyên huấn; bà Đặng Thị Kim Hường, ủy viên tài chính và văn thể mỹ; ông Nguyễn Văn Khánh, ủy viên văn thể mỹ và đời sống.
Ông Nguyễn Văn Hải sau này được bổ nhiệm Phó giám đốc Vietcombank Đà Nẵng, rồi Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi, hiện đã nghỉ hưu. Bà Cao Xuân Lan hồi đó là Trưởng phòng Kế toán đã mất năm 1993. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà sau này được bổ nhiệm Phó giám đốc rồi Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng cũng đã nghỉ hưu năm 2011. Ông Khánh và bà Hường cũng đã nghỉ hưu từ 2008.
Theo sổ ghi biên bản, năm 1984 Vietcombank Đà Nẵng có 35 đoàn viên đến nay hầu hết đã nghỉ hưu và có người đã qua đời như bác Hoàng Thúc Phồn và bác Nguyễn Đăng Cao, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng thời kỳ đó. Số người đoàn viên ngày ấy còn lại chưa bằng số ngón tay trên một bàn tay.

Ôn cố tri tân
Kể từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa, đặc biệt từ khi hai Pháp lệnh về Ngân hàng ra đời (1990), hoạt động kinh doanh của Vietcombank nói chung và Vietcombank Đà Nẵng nói riêng ngày một khởi sắc, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước và trở thành chi nhánh ngân hàng thương mại dẫn đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Với thu nhập ổn định ở mức khá, đời sống của đoàn viên người lao động ngày nay cũng như môi trường làm việc đã thay đổi, được làm việc trong môi trường hiện đại, đầy đủ tiện nghi, quyền lợi về vật chất, tinh thần và các phúc lợi xã hội và y tế được đảm bảo… Do vậy, hoạt động công đoàn ngày nay cũng có nhiều thay đổi về phương pháp cũng như nội dung. BCH CĐ ngày nay không phải vất chạy cơm – áo- gạo - tiền, chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm thêm cho đoàn viên để cải thiện thu nhập và đời sống nữa.
Ôn cố tri tân, ôn lại chuyện công đoàn ngày ấy không phải là để kể khổ mà để thấu hiểu giá trị Vietcombank Đà Nẵng ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có mà là nỗ lực của các thế hệ cán bộ nhân viên, trong đó có sự năng nổ và sáng tạo của những người làm công tác công đoàn ngày ấy./.
 NHNN Đà Nẵng (Theo http://danangbank.gov.vn)
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 3
  • 2
  • 2
  • 5
  • 0
  • 5
  • 0
lên đầu trang