Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:50

Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:50

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 13:55 ngày 30/05/2021

“Chuyến hàng đặc biệt” – Kỷ niệm một thời nhớ mãi

Cuộc đời của mỗi người thường có những kỷ niệm khó quên. Riêng tôi kỷ niệm về quá trình công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Móng Cái trong thời kỳ chiến sự vùng biên giới địa đầu của Tổ Quốc (1979 - 1989) và đặc biệt trong lần chuyển kho tiền xuyên đêm trong chiến sự thì có lẽ được ghi đậm mãi mãi trong tâm trí của tôi.
Đó là vào những ngày của đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, địa bàn huyện Móng cái là một trong những địa chỉ nóng bỏng - Nơi trực tiếp gánh chịu hậu quả chiến sự lúc bấy giờ, Trung Quốc tấn công đổ bộ trực tiếp vào địa phận Pò Hèn (5h sáng ngày 17/2/1979). Ngày nay khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ của trận Pò Hèn đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ Quốc. Sau trận đổ bộ ấy, hàng ngày pháo cối tầm xa từ bên kia Trung Quốc bắn sang các điểm then chốt trên địa bàn Móng Cái, đã có biết bao đồng bào và chiến sỹ của ta đã ngã xuống.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh Đảng bộ, chính quyền địa phương và của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đối với nhiệm vụ của Ngân hàng lúc đó là: “Vừa đảm bảo hoạt động Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu cao nhất cho công tác phục vụ chiến đấu - Nhất là các đơn vị bộ đội - Vừa sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết”.
Tiếp nhận tinh thần đó, chúng tôi luôn bám sát nhiệm vụ ở mỗi cương vị được giao, nâng cao cảnh giác trong mọi tình huống, kiên quyết bám trụ, sẵn sàng  vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị cơ quan , xác định tư tưởng lập trường kiên định, có bản lĩnh chính trị vững vàng trong hoàn cảnh thời chiến cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của  người cán bộ Ngân hàng lúc đó. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn - kịp thời phục vụ hoạt động đối với các đơn vị, tổ chức kinh tế và các đơn vị Bộ đội trên địa bàn, ngoài giờ làm việc chúng tôi còn  là người trực tiếp vót chông tre và đi rào chông những điểm tiếp giáp với Trung quốc, làm việc đúng theo tinh thần thời chiến, tất cả đều phải tuân thủ triệt để đúng các quy định, đáp ứng yêu cầu kế hoạch  cấp trên giao.
Tình hình chiến tranh ngày càng căng thẳng. Lần thứ hai Ngân hàng được lệnh lùi sâu thêm đến km 13 theo yêu cầu tình hình mới đồng nghĩa với công việc phải chuyển kho tiền lần thứ hai đến nơi sơ tán mới. Mục tiêu cao nhất luôn được đặt lên trên hết  là: Tuyệt đối an toàn về người, tiền mặt, tài liệu, tài sản cơ quan. Việc vận chuyển  kho tiền phải được giữ gìn hết sức bí mật về thời gian, con người trực tiếp vận chuyển và phải được hoàn thành ngay trong 1 đêm. Tôi chẳng thể nào quên được đêm ấy, khi trên vai tôi địu đứa con còn nhỏ,
(do hoàn cảnh ông bà nội ngoại  đều ở xa, chồng cũng ở xa và thuộc lực lượng vũ trang cũng phải lo trực chiến), nhưng sẵn sàng xuất phát bất kỳ lúc nào để cùng các đồng chí trong Ban quản lý kho vận chuyển kho tiền về nơi sơ tán mới.  Tôi càng thấy ý nghĩa sâu sắc hơn vai trò của người cán bộ Ngân hàng được Đảng, Nhà nước giao cho nắm giữ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, công sức của nhân dân ta và đặc biệt phải an toàn để phục vụ đồng bào, chiến sỹ trong chiến sự - vừa  sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ  từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn nữa  những đồng tiền còn chứa đựng ý nghĩa lớn lao,“Bởi trong đó có tình người bao la/ Có mồ hôi mẹ, cha/ Có máu hồng chiến sỹ…”; là động lực để tăng thêm bản lĩnh, nghị lực giúp chúng tôi vượt mọi khó khăn, hiểm nguy.
Hôm đó vào lúc 20h, lệnh chuyển kho tiền được bắt đầu. 03 người trong Ban quản lý kho theo quy định  (Lãnh đạo, kế toán, thủ kho. Tôi là kế toán) tự bốc xếp các bao tiền, các hòm tiền đến địa điểm mới. Mặc dù trong đêm tối mịt mùng, không đèn điện đường, giao thông đi lại vô cùng khó khăn giữa không gian nơi chiến sự, tuyến đường 18 cũng là một trong những điểm mà bọn Trung Quốc bắn pháo cối bất kể lúc nào để chặn đường giao thông lưu chuyển của ta, ngày cũng như đêm thỉnh thoảng vẫn có tiếng pháo cối tầm xa ình oàng đâu đó… Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, để sáng ngày hôm sau mọi công việc khi chuyển về địa điểm mới lại tiếp tục hoạt động bình thường, đáp ứng cho mọi hoạt động của các tổ chức, kinh tế, chính trị xã hội và lực lượng vũ trang.
Và đêm đó, chuyến hàng đó, tôi và các thành viên trong Ban quản lý kho đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, an toàn tuyệt đối về người, tiền và tài sản kể cả 2 đầu đi và đến, để sáng sớm hôm sau mọi hoạt động trở lại thường ngày.
            Một chuyến hàng “đặc biệt” xuyên đêm vào thời điểm gian khổ, hiểm nguy nơi chiến sự vùng biên ngày ấy đã ghi dấu ấn trong tôi về hình ảnh tinh thần, ý chí của những cán bộ Ngân hàng trong những ngày, những thời khắc bám trụ, phải vượt lên trên cả sự hy sinh, khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ của ngành nơi địa bàn phục vụ, đã thể hiện được đầy đủ ý nghĩa vai trò của người cán bộ Ngân hàng trước yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và của ngành.      
              Thời gian lặng lẽ trôi đi đã mấy chục năm rồi, nhưng cái đêm địu con vận chuyển tiền theo mệnh lệnh sơ tán cơ quan về địa điểm mới và những công việc tôi từng được đảm nhiệm nơi chiến sự ngày ấy vẫn trong tâm trí tôi như mới hôm qua.
             Chiến tranh biên giới kết thúc, vành đai biên giới được giữ nguyên trọn vẹn, đất nước yên bình và mở cửa thông thương. Móng Cái, Quảng Ninh nay đã là thành phố được thay da đổi thịt, khoác lên diện mạo mới. Nơi trung tâm thương mại lớn của tỉnh Quảng Ninh có cửa khẩu biên giới quốc tế, có bãi tắm khu biển Trà Cổ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, rừng phi lao hồi sinh mải miết chạy dài suốt từ bãi  tắm đến khu Tràng Vỹ. Nơi giáp biên giới còn mang đậm dấu ấn một thời  đã đi vào lịch sử đang đón nhận những luồng gió mới. Công sức, mồ hôi và máu của  các tầng lớp nhân dân - những  người con kiên cường bám trụ biên giới ngày nào, trong đó có một phần công sức đóng góp của  cán bộ  Ngân hàng Nhà nước Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngày ấy, đã góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ gìn vùng đất thiêng liêng biên cương của Tổ Quốc thân yêu. Và việc chuyển kho tiền đi sơ tán, hay được gọi là chuyến hàng ĐẶC BIỆT trong hoàn cảnh chiến tranh là một tấm hình được trái tim tôi ghi đậm mãi đến bây giờ./.
***
CHUYẾN HÀNG ĐẶC BIỆT(*)
Quê hương tôi - Nơi địa đầu Móng Cái
Trong những ngày biên giới  chiến tranh.
Bốn mươi năm rồi thời gian quá nhanh.
Mà như thấy trên vai  còn nóng hổi.
Vận chuyến hàng đột xuất giữa màn đêm.
Nhận được lệnh - Hai mươi giờ hôm ấy.
Chuyển kho tiền – “Hàng đặc biệt” của ta.
Mệnh lệnh đưa ra – Cũng là giờ xuất phát
Vì đảm bảo quy trình để tránh những rủi ro.
Ba cán bộ là Ban quản lý kho (**)
Cũng là người trực tiếp bốc hàng vận chuyển.
Để  an toàn tuyệt đối số hàng giao.
Bởi số hàng này có ý nghĩa biết bao
Ở trong đó có tình người cao cả.
Có mồ hôi công sức mẹ cha.
Còn có cả máu hồng chiến sỹ.

Giữa không gian gấp gáp gian nguy.
Nơi chiến sự bộn bề lo lắng.
Tiếng xe tăng ra tuyến .
Tiếng pháo cối đạn thù gieo rắc đó đây.
Mong hãy chảy trôi để sáng sớm mai.
              Mọi nhịp sống như thường ngày trở lại.

Mấy chục năm rồi biên cương vẫn gọi.
Nhớ  chuyển hàng đêm – Và vai địu con thơ.
Kỷ niệm ấy theo mãi đến bây giờ.
Nơi trái tim ghi hình trong đó.
Hình ảnh Ngân hàng sáng mãi một vùng biên.
(*) Trong thời kỳ chiến tranh Biên giới phía Bắc (1979- 1989), Ngân hàng Nhà nước Móng Cái có 2 lần chuyển kho tiền đi sơ tán.
(**)  Ban quản lý kho theo quy định: Lãnh đạo, Kế toán và Thủ kho tiền.
Bài viết và thơ của đ/c Nguyễn Thị Hà
Cán bộ Ngân hàng đã nghỉ hưu tại TP Hạ Long, Quảng Ninh

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 3
  • 2
  • 2
  • 6
  • 9
  • 1
  • 6
lên đầu trang