Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:45

Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:45

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 11:28 ngày 25/08/2021

Một khoảng trời ký ức!

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của huyện Đoan Hùng , tỉnh Phú Thọ. Bố làm nghề xây dựng nên công tác tại thành phố Việt Trì, còn mẹ, giáo viên dạy lớp 1 (chính xác hơn là lớp vỡ lòng) tại ngôi trường của xã mà chỉ có duy nhất một lớp. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò chơi kéo mo cau cùng anh trai, chơi trò đi chợ bán hàng lấy “lá cây” làm phương tiện trao đổi. Lúc ấy, một cô bé 8 tuổi như tôi chẳng hiểu “mệnh giá đồng tiền” là gì? Chỉ nhớ mỗi lần Bố đi công tác về cho tôi 50 đồng, tờ tiền màu xanh bản to, tôi mua được một que kem để hai anh em ăn chung, thấy vui và thích lắm!
Thời gian trôi đi, công việc của Bố ổn định hơn, Bố đã đón Bà nội, mẹ và hai anh em tôi xuống sinh sống và học tập tại thành phố Việt Trì. Những năm là học sinh cấp I, cấp II tôi vẫn là một cô học trò hồn nhiên... rồi mùa hè tháng 12/1999, cô học trò ấy vừa tròn 18 tuổi, đứng trước mục tiêu thi đỗ vào một trường Đại học nào đó để được đi học tại Thủ đô Hà Nội như các bạn.
Như đã kể, Bố và mẹ của tôi không có ai làm trong ngành tài chính, ngân hàng nên Bố mẹ nói: “Con lựa chọn học nghề gì cho phù hợp để sau này có một công việc ổn định. Con là con gái, nên Bố mẹ lo cho con lắm!”. Giữa rất nhiều ngành nghề thuộc các Trường Đại học, Cao đẳng khác nhau, tôi đã quyết định chọn Trường Học viện Ngân hàng vì lúc ấy tôi nhớ lắm những kỷ niệm ở quê cùng anh trai của mình. Tôi muốn tìm hiểu về “phương tiện trao đổi” mà tôi vẫn thường lấy “lá cây” để thay thế trong các trò chơi của mình là như thế nào? Cũng chẳng nghĩ là sau này có được vào làm việc tại Ngân hàng hay không?
Giáo trình chuyên ngành đầu tiên chúng tôi được học đó là môn học “Lý thuyết tiền tệ ngân hàng”. Qua nghiên cứu và học tập, tôi mới hiểu: “Tiền là bất cứ việc gì được chấp nhận chung trong thanh toán để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, hoặc để hoàn trả các khoản nợ”. Háo hức vì có chút kiến thức, càng tìm hiểu và học tập, tôi càng thấy yêu thích ngành nghề mà mình đã cố gắng theo đuổi, đã luôn ước mơ.
Cô sinh viên của Trường Học viện Ngân hàng ngày nào đã hoàn thành khóa học và tự tin mang theo hồ sơ xin việc để nộp và thi tuyển vào các ngân hàng. Năm 2004, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chỉ có gần 10 tổ chức tín dụng, nhưng tôi lại ấn tượng với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương vì thấy “logo hình bông lúa vàng” thật ấn tượng, điều đó khiến tôi thấy nhớ quê hương của mình, nhớ về tuổi thơ gắn với đồng ruộng của mình. Tôi đã quyết tâm thể hiện tốt bản thân để được nhận vào làm việc tại đây. Rất may mắn, tôi đã được Ngân hàng gọi điện đến để thử việc và làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương Chi nhánh Phú Thọ, là một trong 23 Chi nhánh cấp tỉnh thuộc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chính thức được được thành lập ngày 5/8/1995, ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành phát triển hệ thống QTDND theo Quyết định số 162/QĐ-NH5 ngày 8/6/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quỹ tín dụng Trung ương có nhiệm vụ điều hòa vốn trong hệ thống QTDND dưới hình thức nhận tiền gửi và cho vay; bảo đảm khả năng chi trả và thanh toán cho toàn hệ thống; làm đầu mối cho hệ thống QTDND trong các quan hệ với Chính phủ, NHNN, các Bộ, Ngành, các Tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ khi chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vào ngày 1/7/2013, sứ mệnh “là ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân” càng được khẳng định với sự phát triển mạng lưới của 32 Chi nhánh cấp tỉnh và 70 Phòng giao dịch trực thuộc.
Trong quá trình công tác, tôi có dịp làm việc trực tiếp với các Quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có các QTDND thuộc địa bàn các xã của huyện Đoan Hùng, quê hương của tôi. Tôi được đi thăm gia đình bà con nông dân, các hộ gia đình kinh tế cá thể, thấy người dân dần thoát nghèo, phát triển kinh tế từ việc sử dụng nguồn vốn vay của các QTDND và Ngân hàng Hợp tác. Những con đường đất đỏ ngày nào đã được đô thị hóa bằng bê tông, Trường học mẹ tôi đã từng dạy học đã được xây mới, khang trang và có nhiều lớp học hơn. Điều đó khiến cho tôi thật tự hào, thật hạnh phúc vì mình đã chọn đúng nghề nghiệp, chọn đúng đơn vị làm việc để cống hiến, để gắn kết những ký ức tuổi thơ và niềm tin ở hiện tại.
Năm 2021, Ngành ngân hàng kỷ niệm 70 năm thành lập (6/5/1951-6/5/2021) thì tôi vinh dự được gắn bó trong lĩnh vực ngân hàng được 17 năm. Từ các vị trí công tác khác nhau, trải qua cùng Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Phú Thọ với những thăng trầm, vui buồn, với vinh quang và cả những khó khăn.... Nhưng tôi vẫn ở đây, vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy niềm tin với một tình yêu to lớn như yêu chính quê hương của mình. Và tôi không còn gọi nơi làm việc là cơ quan mà chính xác hơn: Co-opBank “Ngôi nhà thứ hai của tôi! Gia đình thứ hai của tôi!”
Tình yêu ngân hàng lớn dần trong tôi, và tôi lan tỏa tinh thần, niềm tin ấy bằng rất nhiều cách khách nhau, nhất là đưa vào các Hội thi mà tôi được tham gia. Còn nhớ, năm 2019, tại Hội thi báo cáo viên giỏi do Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ tổ chức, tôi đã vinh dự được giải nhì với phần thi báo cáo viên tuyên truyền về Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính”. Đồng thời, cùng với đồng đội của tôi tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội do các cấp phát động, nhất là các chương trình hướng về các em học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó luôn tràn đầy cảm xúc với những chuyến từ thiện tại chính quê hương, nơi mình được sinh ra và lớn lên.
Bây giờ, tôi đã có một cô con gái 10 tuổi xinh xắn, đáng yêu vẫn thường cùng bố chờ đón mẹ vào những ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, đặc biệt thời điểm cuối năm do yêu cầu về công tác quyết toán có lúc đến 1-2 giờ sáng mà chẳng hề thấy mệt. Những bài tập làm văn của con viết về gia đình vẫn luôn rất đỗi tự hào với giọng kể: “Mẹ em là cán bộ Ngân hàng Hợp tác....”
Mỗi dịp Tết đến, nhìn con được ông bà nội, ngoại mừng tuổi, lì xì năm mới, tôi lại nghẹn ngào nhớ đến số tiền 50 đồng bố đã cho tôi mua kem và không quên nhắc con: “Con nhớ gửi tiền tiết kiệm cho mẹ để lấy chỉ tiêu nhé!”. Cả nhà tôi lại nhìn nhau cười.
Ngành Ngân hàng, Gia đình nhỏ của tôi, quê hương Phú Thọ! Đó là tất cả những điều quý giá nhất mà tôi luôn trân trọng và biết ơn!
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc – Co-opBank CN Phú Thọ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 3
  • 2
  • 2
  • 7
  • 9
  • 9
  • 3
lên đầu trang