Thứ tư, 08/05/2024 | 06:56

Thứ tư, 08/05/2024 | 06:56

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 16:04 ngày 13/09/2021

Cuộc cách mạng thanh toán điện tử

             Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng, vượt trội của công nghệ, hình thức thanh toán điện tử cũng được sử dụng ngày càng phổ biến tại Việt Nam.Người tiêu dùng có thể dễ dàng tiến hành mọi giao dịch chỉ với vài thao tác đơn giản trên các thiết bị điện tử thay vì dùng tiền mặt như trước đây.
Ngỡ ngàng với “ngân hàng không quầy”
Trong vài năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến trong nước đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, tính đến năm 2020 đã có 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đã đưa thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Cùng với hình thức mua sắm trực tuyến thì các ngân hàng cũng đã triển khai vô mạnh mẽ các hình thức thu hộ, chi hộ qua các nền tảng công nghệ mobile banking, internet banking.... Theo đó, một loạt ngân hàng triển khai mạnh và chuyên nghiệp loại hình ngân hàng số (Digital Banking), cho phép khách hàng sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ nhưng không nhất thiết phải đến trực tiếp các quầy ở  chi nhánh, phòng giao dịch, giống như mô hình “ngân hàng không quầy” ở một số nước phát triển.
Trước tình hình thực tế đó, ngày 04/12/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.Theo đó, cho phép “ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử” thì việc mở tài khoản rất đơn giản và tiện lợi. Chỉ cần nhận diện qua hệ thống camera của ngân hàng và điền thông tin theo các bước thì chỉ mấy phút sau có thể mở tài khoản thành công.
Điều này hỗ trợ tích cực cho Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (tại Quyết định số 149/QĐ-TTg) được kí ngày 20/01/2020 do Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt cho phép mở tài khoản ngân hàng điện tử bằng hình thức áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC) mà không cần phải đến ngân hàng. “Ngân hàng không quầy” thực sự là bước tiến mới của ngành, góp phần đáng kể giải phóng năng lực sản xuất và tiêu dùng cho nền kinh tế sau 70 năm ra đời và phát triển.
Cụ thể, cho tới nay, khoảng 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai thí điểm mở tài khoản điện tử trực tuyến qua hình thức định danh điện tử (eKYC). Chẳng hạn, ở Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chỉ cần 5 phút là có ngay tài khoản trực tuyến. Khách hàng không cần tới chi nhánh nhưng vẫn xác thực và định danh 100% trực tuyến. Khi mở tài khoản này, còn được liên kết với nhiều ví điện tử và ứng dụng mua sắm. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech, thanh toán trong và ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, cho phép khách hàng thoải mái mua sắm mọi lúc mọi nơi, săn ưu đãi, chi trả mọi hoá đơn, nạp tiền điện thoại, quét mã QR. Chính vì thế mà hình ảnh khách hàng phải xếp hàng tại các Ngân hàng Thương mại chờ đến lượt giao dịch cũng giảm đi rất nhiều.
Có lẽ, eKYC thực sự là cú đột phá đối vớihoạt động thanh toán ngành ngân hàng. Trước đây, muốn mở tài khoản, khách hàng phải mang chứng minh thư, ngồi xếp hàng cả tiếng đồng hồ; những ngân hàng càng lớn, càng có thương hiệu như Vietcombank việc xếp hàng chờ đợi càng lâu vì lượng khách hàng quá đông.
Giải pháp thanh toán cho người bận rộn
Hiện tôi đang làm việc tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là đơn vị liên quan nhiều đến con số và công nghệ. Công việc hàng ngày của chúng tôi tại đây là thu nhận, xử lý và lưu trữ dữ liệu quốc gia về thông tin tín dụng từ các tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động ngân hàng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với mục đích phục vụ yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin tín dụng của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Ở CIC, để có được sản phẩm và dịch vụ tốt, chúng tôi luôn chú trọng tới việc lưu trữ thông tin để tạo dựng kho dữ liệu lịch sử của Ngân hàng Nhà nước về thông tin các khách hàng có quan hệ với các ngân hàng thương mại. Tại đây, hồ sơ khách hàng bao gồm hồ sơ pháp lý, tình hình tài chính, tình hình hoạt động và quan hệ tín dụng,... các thông tin đó thường xuyên được cập nhật bổ sung những thay đổi mới nhất và được lưu trữ theo mã số nhằm đảm bảo cung cấp cho các tổ chức, cá nhân khai thác thông tin tại CIC được nhanh chóng, đầy đủ và chính xác nhất và cảnh báo rủi ro trong các hoạt động tín dụng. Bạn thử hình dung, mỗi năm tăng trưởng tín dụng bình quân 12 - 15% và kéo theo đó là tăng trưởng hồ sơ vay, tính đến hết tháng 3/2021, quy mô tín dụng toàn bộ nền kinh tế là 8.521 nghìn tỷ đồng và 22.486 triệu USD, sẽ thấy khối lượng công việc tại nơi tôi đang làm việc sẽ nhiều như thế nào. Vì vậy, việc làm thêm ngoài giờ của chúng tôi cũng trở nên thường xuyên. Với đặc thù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên có lẽ vì thế mà số nhân lực là phự nữ chiếm tỷ lệ đa số. Với chị em phụ nữ, nhất là những người đã bước vào cuộc sống hôn nhân, việc cơ quan, việc nhà chiếm gần hết thời gian, nên những sở thích cá nhân hoặc thú vui giải tỏa áp lực gần như xa xỉ.
Khi mua sắm và thanh toán trực tuyến ra đời, với cá nhân tôi dù chưa lập gia đình nhưng cũng rất thích, một phần là tiện, một phần tôi có thể lựa chọn, so sánh các sản phẩm và giá thành của sản phẩm. Nhờ đó, việc chi tiêu hợp lý và thuận tiện hơn, chưa kể khắc phục được việc bận rộn do đặc thù công việc khi không thể lang thang ở các cửa hàng, cửa hiệu, shop quần áo, mỹ phẩm. Ngoài ra, tôi cũng không còn bắt gặp quá nhiều hình ảnh các anh, chị, em đồng nghiệp hoặc người thân quen hối hả đi mua sắm sau giờ tan tầm hoặc các ngày nghỉ.
Có thể thấy, thanh toán điện tử giúp chúng ta tiết kiệm tối đa thời gian, mua sắm, đi chợ, thanh toán tiền điện, nước và các dịch vụ khác, thêm vào đó, những dịp mua sắm cuối năm sẽ không còn là nỗi ám ảnh, khi người mua hàng có thể chủ động bất cứ lúc nào, sáng sớm hay nửa đêm mà không sợ bị tắc nghẽn trong quá trình thanh toán hoặc vận chuyển hàng hóa, vừa có thể chăm sóc gia đình một cách toàn diện, vừa có thời gian chăm sóc bản thân mình. Đây thực sự là cuộc cách mạng về thanh toán điện tử mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cởi nút thắt cho hệ thống dịch vụ của nền kinh tế. Xen lẫn trong cộng đồng hưởng lợi tiện ích đó, có cả những phụ nữ bận rộn như chúng tôi.
Cẩn trọng khi thực hiện thanh toán điện tử?
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các tiêu cực có thể xảy ra từ hoạt động này. Cụ thể, CIC chúng tôi nhận được những phản ánh từ khách hàng rằng: họ không có quan hệ tín dụng với Tổ chức tín dụng (TCTD) nào cả, nhưng trong kho dữ liệu CIC vẫn thể hiện khách hàng này có quan hệ tín dụng với TCTD chủ yếu là tại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Gặp những trường hợp này, chúng tôi hỗ trợ khách hàng làm việc với TCTD để tra soát thông tin định danh của khách hàng thì nhận thấy khi mở tài khoản theo phương thức này, đã xảy ra tình trạng gian lận. Đó là ở một công ty cho vay tiêu dùng, có kẻ gian đánh cắp số chứng minh thư người khác, điền các thông số theo yêu cầu, được cấp số tài khoản và được duyệt khoản vay. Sự việc này đẩy cả công ty cho vay và người không vay trở thành nạn nhân.
Bài học ở đây là, người ta cần phải giữ bí mật các thông tin cá nhân, thường xuyên tra cứu thông tin tín dụng của mình trên CIC và kiểm tra các tin nhắn trên số điện thoại của mình. Nếu thấy bất thường phải thông tin sớm cho cơ quan chức năng. Cùng đó, về mặt luật pháp cần có chế tài nghiêm ngặt xử lý việc trao đổi, mua bán sử dụng trái phép thông tin cá nhân.
Ngoài ra, hiện xảy ra rất nhiều trường hợp lừa đảo qua việc hacker sử dụng các trang trung gian mua sắm dẫn dụ người dùng click vào link, từ đó yêu cầu người dùng cung cấp mật khẩu OTP của tài khoản. Rất nhiều trường hợp đã bị lừa mất số tiền rất lớn. Bởi vậy, dù bất luận trong trường hợp nào, khi mua sắm trực tuyến, khách hàng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu OTP cho người khác.
Năm 2021, ngành ngân hàng kỷ niệm 70 năm thành lập và phát triển, thế hệ chúng tôi là lứa trẻ nhất, được gia nhập vào ngành, được làm việc trong môi trường tốt và hưởng lợi rất nhiều từ tiến bộ công nghệ ngân hàng, trong đó có các dịch vụ từ ngân hàng không quầy.
Chúng tôi tự hào về ngành khi hiển diện trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng là những thông tin tích cực. Đó là ngành có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất, năng lực công nghệ hoá nhanh nhất và khả năng truyền dẫn tiết kiệm đến đầu tư xuất sắc, bảo đảm ổn định lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, Ngân hàng số - “ngân hàng không quầy” và những ích lợi từ công nghệ 4.0 được ứng dụng trong hệ thống thông tin tín dụng, thanh toán điện tử là một trong những thành tựu của 70 năm xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam. Đây thực sự là cuộc cách mạng về thanh toán điện tử mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cởi nút thắt cho hệ thống dịch vụ của nền kinh tế.
“Càng tự hào, càng phải lao động có trách nhiệm và chuyên nghiệp”, tôi luôn răn mình như vậy./.
Tác giả: Nguyễn Phùng Hải Thơ – CIC
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 8
  • 4
  • 4
  • 5
  • 0
  • 9
lên đầu trang