Thứ ba, 07/05/2024 | 12:43

Thứ ba, 07/05/2024 | 12:43

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 10:49 ngày 12/09/2021

Tâm tư người làm tín dụng

Từ khi tôi được vào làm việc tại Ngân hàng thấm thoát cũng đã 10 năm, thời gian trôi qua nhanh thật, mới vào ngân hàng tôi được bố trí vào bộ phận kế toán, làm được hơn một năm tôi lại được bố trí làm cán bộ tín dụng. Trải qua nhiều năm trong nghề, tôi lại càng thấm thía nghề tín dụng, cái nghề mà thật sự có yêu thích mới có thể gắn bó lâu dài và làm tốt được.

Bất kỳ khi nào nói về nhân viên làm việc ở Ngân hàng, thì ai cũng nghĩ rằng lương cao, ngồi làm việc trong máy lạnh, trang phục đẹp, nhàn hạ,... có lẽ vì họ chỉ nhìn bề ngoài chứ chưa biết được công việc của một cán bộ làm tín dụng, thực sự vất vả đến đâu và áp lực như thế nào. Chúng tôi thường nói vui với nhau thì tâm lý vậy mà, người ta chỉ nhìn thấy được bề nổi chứ đâu biết được công việc của anh em mình. Bản thân những người làm Ngân hàng nói chung như cán bộ làm Phòng Hành chính, cán bộ Kiểm tra nội bộ, kế toán…. thì những người làm tín dụng như chúng tôi nói riêng, ai cũng phải làm việc cật lực, nhiều hôm bỏ cơm gia đình hoặc về quá trễ vì công việc ở cơ quan chưa xong, cuối tháng cuối quý đều chạy chỉ tiêu, thu nợ… xem khách hàng là thượng đế, luôn trong tình huống “làm dâu trăm họ”, những áp lực vô hình khiến nhân viên phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tìm kiếm khai thác, phát triển khách hàng mới giữa thị trường như hiện nay thật không dễ dàng gì. Vì vậy, mỗi ngày chúng tôi làm việc với những phần công việc phát sinh thường xuyên đòi hỏi một sự nhanh nhẹn, tỉnh táo, tập trung khi tiếp cận khách hàng vì mỗi phần công việc đó đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn: khách hàng không uy tín, có ý đồ lừa đảo; giấy tờ tài sản giả, báo cáo tài chính giả, hóa đơn giả... chỉ cần một phút sơ sót có thể bị lỗi sai quy trình nghiệp vụ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu tiếp thị khách hàng là một sự vất vả thì việc giữ được khách hàng cũ để tiếp tục gắn bó với Ngân hàng lại là một cuộc chiến cam go đòi hỏi sự tinh tế và nhạy bén. Chúng tôi đã phải vận dụng tất cả sự khéo léo, nghệ thuật giao tiếp, tư vấn sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng, phương châm trở thành “người bạn đồng hành” đúng nghĩa, đem đến cho khách hàng những giải pháp tài chính tối ưu nhất.

Không dừng lại ở đó, ngoài những áp lực vì những công việc nghiệp vụ, chúng tôi còn nhiều nghiệp vụ khác phải thực hiện, như báo cáo thường xuyên, quản lý hồ sơ trên bản cứng và bản mềm, khắc phục lỗi tác nghiệp, phục vụ thanh tra, kiểm toán...

Trải nghiệm qua nghề ngân hàng đã không ít người xin nghỉ việc hay xin chuyển sang ngành nghề khác, vì họ cho rằng nghề ngân hàng bạc như vôi. Nếu cho vay thành công, lãi đều, thu nhập ấy là cả tập thể, cuối năm cán bộ đó có thể được bình bầu danh hiệu cá nhân. Nhưng một khi phát sinh một món vay bị quá hạn, nợ xấu, không thu hồi được dù là lỗi khách quan nhưng ảnh hưởng đến thu nhập chung, cán bộ ấy có thể bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có thể bị kỷ luật nếu có rủi ro chủ quan...

Cũng làm Ngân hàng nhưng nếu là cán bộ kế toán... công việc dù mất nhiều thời gian nhưng bù lại khi về nhà, họ có thể hoàn toàn không suy nghĩ, trăn trở. Công việc của chúng tôi thì ngược lại, chỉ cần một món vay nhỏ có phát sinh có thể làm cho chúng tôi lo lắng đến mất ngủ.

Những ngày tháng bắt đầu với nghề tín dụng, tôi như choáng ngợp với những văn bản, quy trình, quy định, quy chế cho vay, kèm theo đó là khối lượng công việc phải làm: tìm kiếm khách hàng, thẩm định, phân tích ngành nghề, phân tích tài chính của khách hàng, phân tích rủi ro khách hàng có thể gặp phải, lập hồ sơ, trình hồ sơ vay với cấp trên, công chứng hồ sơ, sổ đỏ, giao dịch đảm bảo, giải ngân, kiểm tra sau vay, chịu trách nhiệm thu hồi nợ gốc và lãi, đàm phán tư vấn cho khách hàng , đôi khi vì bất cẩn mà những điều khoản nho nhỏ, nhưng sơ suất do khách hàng cố tình “bẫy” sẽ trở thành vấn đề cần nhờ đến pháp luật xử lý.

Với tình hình như hiện nay Ngân hàng cần khách hàng, còn với khách hàng thì Ngân hàng nào có phong cách chăm sóc và phục vụ tốt, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn thì được nhiều khách hàng chọn giao dịch. Do đó việc cạnh tranh giữa các Ngân hàng trên cùng địa bàn với nhau rất khốc liệt. Do đó bản thân luôn tự nhủ phải cố gắng từng ngày trong công tác chuyên môn, tuyệt đối không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm nội quy quy chế của cơ quan, đối với khách hàng thì phải luôn ân cần chu đáo, tránh tình trạng làm cho khách hàng phàn nàn không hài lòng về sản phẩm và dịch vụ tại Ngân hàng, hồ sơ thẩm định và giải quyết nhanh chóng, tìm kiếm khách hàng để tăng dư nợ,hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh nợ xấu, qua đó có thế góp phần thúc đẩy sự phát triển của đơn vị ngày càng lớn mạnh.

Tác giả: Đặng Thị Gương – Ngân hàng Hợp tác CN Kiên Giang

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 8
  • 2
  • 0
  • 3
  • 0
  • 1
lên đầu trang