Chủ nhật, 19/05/2024 | 21:48

Chủ nhật, 19/05/2024 | 21:48

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 10:12 ngày 06/05/2024

Viết tiếp trang sử vàng son

Ra đời với sứ mệnh thiết lập được một nền tiền tệ độc lập, tự chủ, tạo thế đứng vững chắc trên mặt trận tài chính - tiền tệ, phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến, kiến quốc, trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hòa nhịp cùng bản hùng ca lịch sử
Trong bối cảnh tình hình tài chính - tiền tệ của chính quyền Cách mạng gặp vô vàn khó khăn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đề ra chủ trương, chính sách mới về kinh tế - tài chính, trong đó có đề cập đến việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng. Thực hiện chủ trương đó, ngày 6/5/1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ - ngân hàng Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến, kiến quốc, ngành Ngân hàng có nhiệm vụ riêng mang tính đặc thù, đó là quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa; quản lý hoạt động kim dụng bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch. Nhờ đó, chúng ta thiết lập được một nền tiền tệ độc lập, tự chủ, tạo thế đứng vững chắc trên mặt trận tài chính - tiền tệ, sử dụng tiền tệ làm công cụ phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Bác Hồ với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ảnh chụp ngày 19/5/1957)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu ngày 7/5/1954, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève công nhận nền độc lập thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc và sau hai năm thì 2 miền sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Thế nhưng ngay sau khi hòa bình được lập lại ở Đông Dương năm 1954, đế quốc Mỹ đã hất chân thực dân Pháp để tiến hành âm mưu xâm lược miền Nam Việt Nam và các nước ở Đông Dương. Chúng đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1954, phá hoại hiệp thương và tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Chúng đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ nhằm thực hiện âm mưu xâm lược ở Đông Nam Á. Đảng ta xác định đường lối chung của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, hoạt động của Ngân hàng Quốc gia trong thời kỳ này tập trung vào việc tăng cường quản lý, điều hòa, lưu thông tiền tệ theo các nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính xã hội; xây dựng và hoàn thiện chế độ tín dụng hướng vào phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; mở rộng phạm vi và cải tiến nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập vai trò ngân hàng là trung tâm thanh toán của nền kinh tế; mở rộng quan hệ thanh toán và tín dụng quốc tế; thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền quản lý ngoại hối…
Riêng với chiến trường miền Nam trong thời điểm này, quân ngụy thực hiện Luật 10/59 đã “lê máy chém” tàn sát các cơ sở cách mạng của ta. Hàng loạt đảng viên, cán bộ cơ sở đã bị chúng bắt, chém giết, tù đầy, giam cầm, tra tấn rất dã man. Hàng chục ngàn cơ sở cách mạng ở miền Nam đã bị tàn phá, tiêu diệt. Trước tình hình cấp bách đó, ngay từ đầu năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã họp và ban hành Nghị quyết số 15, chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ đấu tranh chính trị sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, có sự chi viện của miền Bắc tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngành Ngân hàng đã thành lập các đơn vị đặc biệt mang bí số B29 và N2683 với nhiệm vụ nhận và vận chuyển các khoản viện trợ của bè bạn trên thế giới từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến.
Liên tục trong 10 năm kể từ tháng 3/1959 đến tháng 5/1968, ngành Ngân hàng đã cử 452 cán bộ cốt cán vào chi viện cho chiến trường miền Nam (gọi tắt là đi B). Đa số cán bộ được điều động từ 23 chi nhánh NHNN các tỉnh và thành phố phía Bắc, một số ít thuộc Ngân hàng Trung ương và Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng.
Nhiệm vụ xuyên suốt trong thời kỳ này của cán bộ ngân hàng là tập trung phân phối nguồn tiền chi viện cho chiến trường từ miền Bắc, một phần từ nguồn viện trợ của các nước anh em, bè bạn quốc tế… Số tiền này chủ yếu là USD. Sau đó, cán bộ ngân hàng B68 phải xây dựng đường dây chuyển đổi từ USD sang đồng tiền chế độ cũ để phục vụ việc mua lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội chủ lực…
Điều kiện lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn, kho quỹ sơ sài, công tác kho quỹ, cất giữ tiền bạc trong những năm kháng chiến công phu, phức tạp và khó khăn. Những đồng tiền được đưa vào chiến trường đã thấm đẫm bao công sức, xương máu khi nhiều cán bộ kinh tài đã hy sinh để bảo vệ kho tiền và tài sản của cách mạng, có người ngã xuống trên đất bạn khi xây dựng căn cứ vận chuyển tài chính bí mật phục vụ Tổ quốc.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, nước ta bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của Chính quyền Cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán để góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống kinh tế - xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè thế giới cho công cuộc tái thiết đất nước.
Viết tiếp trang sử hào hùng
Bước sang thời kỳ Đổi mới, đất nước không còn tiếng súng và khói lửa, nhằm thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để kinh tế đất nước, từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đến nay, ngành Ngân hàng vẫn nối tiếp tinh thần của thế hệ cha anh, từng bước đổi mới và hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Để mang những đồng vốn đến mọi miền Tổ quốc, cán bộ ngân hàng luôn sẵn sàng đối mặt với rủi ro, thách thức những khó khăn phức tạp, cám dỗ trong nền kinh tế thị trường; sẵn sàng vượt suối, băng đèo, cần mẫn mang vốn đến với các đối tượng chính sách ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng còn khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới; phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần sáng tạo và đổi mới tư duy, không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ngân hàng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tiến gần hơn đến các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đằng sau những kết quả nổi bật trên là sự nỗ lực không ngừng và nỗi vất vả của nhiều cán bộ ngân hàng được gói gọn trong vài dòng tâm sự của hậu phương:
Mẹ ơi! sao mẹ làm ngân hàng?
Về đến nhà khi trời đã tắt nắng
Giọt mồ hôi lăn trên má mặn đắng
Tối im ắng ba đợi trước hiên nhà. (*)
Vất vả là vậy, nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, các cán bộ, lao động ngành Ngân hàng luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh trong các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt kinh tế - xã hội, khắc ghi lời dạy phụng sự nhân dân của Bác, ngành Ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bước sang năm 2023, do tác động của kinh tế thế giới, nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng lại tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Đặc biệt, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0 điểm phần trăm/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các TCTD đề nghị tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay… qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Chưa dừng lại ở đó, bước sang những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm do nhu cầu vốn của doanh nghiệp không cao, doanh nghiệp còn khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Trước thực tế trên, NHNN đã sử dụng các biện pháp, công cụ một cách rất quyết liệt với mức độ, cường độ lớn hơn nhiều so với năm 2023 và những năm trước đó để tập trung thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nền kinh tế.
Cụ thể là NHNN đã chỉ đạo các NHTM đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp; tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai quyết liệt chương trình, gói tín dụng ưu đãi; tăng cường tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để NHNN có thể nắm bắt, tháo gỡ trực tiếp vướng mắc, không để ảnh hưởng nhu cầu vay vốn cấp thiết của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phổ cập giải ngân trực tuyến, rút ngắn quy trình giao dịch ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ứng phó một cách chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch Covid-19; VND là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới trong năm 2023; an toàn hoạt động ngân hàng được đảm bảo; các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng...
Dẫu vẫn còn đó nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, trong khi yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước ngày càng cao, phức tạp và đi vào chiều sâu, nhưng vẫn có thể thấy dù ở trận tuyến nào, thời kỳ nào, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng cũng tự hào và noi gương truyền thống cha anh, xứng đáng với lịch sử 73 năm của ngành. Với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang đó, cùng sự năng động, sáng tạo của thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, giống như những lời ca được ngân vang trong bài hát “Những trái tim Ngân hàng”:
“Đời ta như cánh chim mang đi khắp nơi
Những đồng vốn đắp xây
Tổ quốc đẹp giàu
Sẽ đi mọi miền núi cao đảo xa, ấm no cuộc sống yên bình
Đức tâm tài và sức vóc người trai trí lớn
Có chúng tôi Ngân hàng”.(**)
---
(*) Bài thơ “Mẹ ơi! sao mẹ làm ngân hàng?” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn, công tác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Vạn Phúc, Hà Nội.
(**) Bài hát “Những trái tim Ngân hàng” do Phó Thống đốc Thường trực, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú viết lời và nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo làm nhạc.
Hương Giang (TBNh)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 3
  • 2
  • 7
  • 0
  • 2
  • 7
  • 8
lên đầu trang